VPS “vô địch” về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2025

Minh Lâm

Trong 3 tháng đầu năm 2025, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đầu thị trường về giá trị phát hành, vượt cả các ngân hàng.

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp Hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong quý I/2025, có 9 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 18.104 tỷ đồng, chiếm 97,3% tổng giá trị phát hành; và 1 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng, chiếm 2,7%.

Đáng chú ý, trong quý I, doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn vắng bóng trên sân chơi trái phiếu, không có hoạt động phát hành nào. Chỉ có 2 nhóm doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp là nhóm Ngân hàng với 12.804 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 69%) và nhóm Chứng khoán với 5.800 tỷ đồng (chiếm 31%).

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành trong quý I/2025. Nguồn: VBMA
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành trong quý I/2025. Nguồn: VBMA

So với cùng kỳ năm 2024, giá trị phát hành trái phiếu ngân hàng quý I/2025 tăng 154% và giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các công ty chứng khoán tăng 1.060%.

Cụ thể, trong nhóm ngành Chứng khoán, sau lô trái phiếu được phát hành công chúng bởi DNSE hồi tháng 1/2025, thị trường lại tiếp tục ghi nhận thêm đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp công chúng từ Công ty Chứng khoán VPS với giá trị phát hành đạt 5.000 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS) với giá trị phát hành là 500 tỷ đồng trong tháng 3/2025, kỳ hạn 1 – 2 năm và lãi suất coupon bình quân 8,3%/năm.

Điểm đáng lưu ý trong tháng là, ngoại trừ ngành Chứng khoán, không có bất kỳ ngành nào khác thuộc nhóm phi ngân hàng thực hiện phát hành trái phiếu. Theo FiinGroup, sự vắng mặt hoàn toàn của ngành Bất động sản – vốn từng chiếm tỷ trọng lớn trong các kỳ trước – tiếp tục cho thấy áp lực và khó khăn trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm này. Diễn biến này phần nào phản ánh ảnh hưởng rõ nét từ những yêu cầu chặt chẽ hơn trong Luật Chứng khoán sửa đổi 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) và Thông tư số 76/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 25/12/2024).

Trong tháng 3/2025, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Phi ngân hàng chỉ đạt 5.500 tỷ đồng, sụt giảm -60,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó vào quý IV/2024, nhóm phi Ngân hàng huy động hơn 80 nghìn tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vượt xa mức bình quân 3 quý trước đó (30.200 tỷ đồng).

Về thứ hai trong cuộc đua huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank – Mã chứng khoán: CTG), đạt 4.000 tỷ đồng.

Lũy kế đến cuối tháng 3/2025, toàn thị trường có hơn 1,25 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, giảm nhẹ -0,3% so với cuối tháng 2/2025 và là tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Dòng tiền thanh toán gốc và lãi trong tháng 5/2025 ước khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng, tăng 182% so với tháng 4/2025.
Dòng tiền thanh toán gốc và lãi trong tháng 5/2025 ước khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng, tăng 182% so với tháng 4/2025.

Về dòng tiền thanh toán, cập nhật dữ liệu trên hệ thống FiinPro-X đến ngày 15/4 cho thấy các tổ chức phát hành đã thanh toán 36,8 nghìn tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp kể từ đầu năm 2025, bao gồm 18.700 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 3/2025.

Dòng tiền phải trả từ trái phiếu dự kiến (bao gồm gốc và lãi) ước khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, hơn 17.900 tỷ đồng trong tháng 5 và khoảng 49.800 tỷ đồng trong quý II/2025, có thể đạt đỉnh trong quý III/2025 (113.300 tỷ đồng).

Trong tháng 3/2025, xuất hiện trường hợp tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả gốc và lãi đến hạn, trong đó có Tập đoàn xây dựng Tracodi, Tập đoàn R&H.