VSD - Đơn vị duy nhất tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán cho các chứng khoán phái sinh niêm yết
Mới đây, TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề liên quan đến sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vừa được khai trương mới đây.
Ngày 10/08/2017, thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, thị trường CKPS Việt Nam đã được công chúng đầu tư quan tâm, đón nhận và có được sự tăng trưởng ấn tượng thể hiện qua số lượng tài khoản giao dịch/ký quỹ được mở, giá trị tài sản ký quỹ, giá trị giao dịch... đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm khai trương thị trường.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, thị trường CKPS Việt Nam đã được công chúng đầu tư quan tâm, đón nhận và có được sự tăng trưởng ấn tượng thể hiện qua số lượng tài khoản giao dịch/ký quỹ được mở, giá trị tài sản ký quỹ, giá trị giao dịch.
Tiếp nối đà tăng trưởng đó của thị trường cũng như căn cứ nhu cầu của thị trường và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, VSD đã phối với hợp Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để đưa sản phẩm HĐTL trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) vào giao dịch...
Phóng viên: Trong tháng 7/2019, thị trường phái sinh đón thêm sản phẩm mới là HĐTL trên TPCP. Ông đánh giá thế nào về sự hấp dẫn của sản phẩm mới này?
TS. Nguyễn Sơn: Qua kết quả gần 2 năm hoạt động cho thấy sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 bước đầu đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, có được sự tăng trưởng phần nào vượt quá kỳ vọng. Thực hiện theo đúng lộ trình phát triển sản phẩm theo Đề án xây dựng và phát triển thị trường CKPS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm từng bước đa dạng hóa sản phẩm phái sinh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư tổ chức, tăng tính hấp dẫn và thanh khoản, hướng tới phát triển TTCKPS theo hướng an toàn, bền vững, Trong thời gian tới, VSD sẽ phối hợp với HNX triển khai một số sản phẩm mới, trong đó trước mắt là HĐTL TPCP, tiếp theo là một số sản phẩm phái sinh khác bao gồm hợp đồng tương lai dựa trên các bộ chỉ số mới, hợp đồng quyền chọn… phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính, UBCKNNN đã phê duyệt mẫu HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm. Đây là sản phẩm dựa trên tài sản cơ sở có các đặc tính tương tự với các loại TPCP có tính thanh khoản tốt trên thị trường cơ sở (ví dụ như kỳ hạn 5 năm, coupon 5% ...) nên sẽ phù hợp với mục đích phòng vệ rủi ro của nhà đầu tư tổ chức hiện đang nắm giữ TPCP trên thị trường cơ sở.
Trước đó, VSD đã chủ động hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, ban hành các quy chế nghiệp vụ hướng dẫn cho các thành viên bù trừ (TVBT) để sẵn sàng thực hiện bù trừ, thanh toán cho sản phẩm HĐTL TPCP theo lộ trình và yêu cầu của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho việc đưa sản phẩm vào vận hành một cách an toàn thông suốt thì trong năm 2018, VSD đã phối hợp với HNX, ngân hàng thanh toán Vietinbank hỗ trợ các thành viên thị trường, nhất là một số ngân hàng thương mại có quan tâm và dự kiến tham gia vào giao dịch với tư cách là nhà đầu tư thông thường và/hoặc thành viên không bù trừ giao dịch tiến hành kiểm thử tổng thể hoạt động từ giao dịch đến bù trừ, thanh toán CKPS, qua đó giúp các bên liên quan rà soát, chuẩn bị cài đặt bổ sung các tham số cần thiết trên hệ thống cũng như nhận diện rủi ro có thể phát sinh tại các khâu, các bước công việc cụ thể và có phương án phòng ngừa rủi ro phù hợp tương ứng, nhất là rủi ro mất khả năng thanh toán chuyển giao khi thực hiện thanh toán đáo hạn theo hình thức chuyển giao vật chất.
Xin ông cho biết một số nội dung cơ bản về cũng như sự khác biệt về cơ chế bù trừ, thanh toán giữa sản phẩm HĐTL TPCP và sản phẩm HĐTL trên chỉ số VN30 đang lưu hành?
Theo quy định pháp lý hiện hành thì VSD là đơn vị duy nhất tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán cho các CKPS niêm yết theo mô hình đối tác bù trừ, trung tâm (CCP). Theo đó, về cơ bản cơ chế bù trừ, thanh toán đối với HĐTL TPCP sẽ được tổ chức thực hiện tương tự như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30 hiện nay; tuy nhiên, do đặc trưng sản phẩm nên có một số nội dung khác biệt:
Về mở tài khoản để giao dịch, ký quỹ và bù trừ, thanh toán: Về mặt quy định cũng như thiết kế hệ thống hiện tại thì không đòi hỏi nhà đầu tư phải có bộ tài khoản riêng cho HĐTL TPCP mà có thể sử dụng các tài khoản giao dịch và ký quỹ đã mở cho mục đích giao dịch HĐTL chỉ số Vn30 (nếu có) để giao dịch và thanh toán HĐTL TPCP. Trong trường hợp chưa có tài khoản, nhà đầu tư có thể đăng ký tài khoản cho giao dịch và ký quỹ CKPS theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch, nhà đầu tư được mở một tài khoản giao dịch, tại mỗi TVBT, nhà đầu tư được mở một tài khoản ký quỹ để phục vụ cho mục đích ký quỹ và thanh toán CKPS.
Về cơ chế ký quỹ: Do có sự khác biệt về mặt thiết kế sản phẩm cũng như cơ chế thanh toán đáo hạn nên bên cạnh việc phải nộp ký quỹ ban đầu và giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ tức thời tương tự như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu Vn30, trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện thanh toán cuối cùng HĐTL TPCP sẽ phải nộp ký quỹ chuyển giao vật chất thay thế cho ký quỹ ban đầu trong khoảng thời gian từ sau ngày đáo hạn (E: Expiry date) cho đến ngày thực hiện việc thanh toán cuối cùng (E+3).
Về tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ chuyển giao vật chất cụ thể sẽ do TVBT quyết định nhưng trên nguyên tắc đảm bảo không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ tối thiểu do VSD công bố. Hai loại tỷ lệ ký quỹ này sẽ được VSD tính toán và công bố tối thiểu là 02 ngày làm việc trước khi áp dụng, trong đó tỷ lệ ký quỹ ban đầu sẽ được VSD định kỳ đánh giá lại vào ngày 1, 10 và 20 hàng tháng để có sự điều chỉnh nếu cần thiết.
Về tài sản được chấp thuận ký quỹ, theo quy định hiện hành, Nhà đầu tư phải nộp ký quỹ 100% bằng tiền đối với ký quỹ ban đầu, riêng đối với ký quỹ chuyển giao vật chất , nhà đầu tư bên mua thực hiện nộp ký quỹ bằng tiền, nhà đầu tư bên bán có thể nộp ký quỹ bằng tiền hoặc chứng khoán là TPCP nằm trong danh sách trái phiếu có thể chuyển giao.
Về cơ chế bù trừ, thanh toán: Tương tự như HĐTL chỉ số VN30, hoạt động bù trừ, thanh toán đối với HĐTL TPCP sẽ bao gồm 2 loại là thanh toán lãi/lỗ vị thế hàng ngày và thanh toán đáo hạn; tuy nhiên việc thanh toán đáo hạn đối với HĐTL TPCP sẽ được thực hiện theo hình thức chuyển giao tài sản cơ sở thay vì thanh toán bằng tiền như HĐTL chỉ số VN30. Theo Quy chế của VSD, việc thanh toán đáo hạn HĐTL TPCP sẽ được thực hiện theo chu kỳ E+3, trong đó nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm chuyển giao trái phiếu và được thanh toán tiền, nhà đầu tư bên mua có trách nhiệm thanh toán tiền và được nhận trái phiếu.
Thưa ông, để đảm bảo cho sản phẩm HĐTL TPCP được đưa vào thị trường thành công, xin ông cho biết những điểm vướng mắc và cần lưu ý đối với thành viên và nhà đầu tư khi triển khai sản phẩm này?
Có thể nói, sản phẩm HĐTL TPCP là một sản phẩm mới, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm trên thị trường CKPS và tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường mới mẻ này. So với sản phẩm HĐTL chỉ số, sản phẩm HĐTL TPCP tương đối phức tạp do áp dụng thanh toán đáo hạn bằng hình thức chuyển giao tài sản cơ sở nên để đảm bảo cho sản phẩm HĐTL TPCP được triển khai thành công, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức hạ tầng cơ sở bao gồm HNX, VSD, ngân hàng thanh toán thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên thị trường cũng như sự ủng hộ, hưởng ứng của các nhà đầu tư.
Về phía thành viên, cho đến thời điểm tháng 5/2019 đã có 14 CTCK được VSD chấp thuận làm TVBT, trong đó gồm 3 TVBT chung là SSI, VDS và ACBS, 11 TVBT trực tiếp là HSC, BSC, MBS, VCSC, VPS, KIS, MAS, VDSC, IBS, VCBS, FPTS. Cả 14 CTCK này cũng đồng thời là thành viên giao dịch của HNX do đó nhà đầu tư có thể đến bất kỳ CTCK nào trong số 14 Công ty trên để làm thủ tục mở và đăng ký tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ cho HĐTL TPCP.
Riêng đối với nhà đầu tư tổ chức là ngân hàng thương mại, do pháp luật Ngân hàng hiện nay chưa có hướng dẫn cho phép tham gia hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS nên có thể đăng ký làm thành viên giao dịch đặc biệt của HNX để giao dịch HĐTL TPCP và thực hiện bù trừ, thanh toán qua một trong 3 TVBT chung nói trên hoặc mở tài khoản tại một TVBT bất kỳ để giao dịch như một nhà đầu tư thông thường. Hiện VSD đang đề xuất UBCKNN có ý kiến với NHNN tháo gỡ vướng mắc cho các NHTM trong việc tham gia vào thị trường với vai trò là TVBT. Vấn đề còn lại là cần có sự phối hợp về hoạt động giữa các ngân hàng lưu ký, CTCK và nhà đầu tư để thống nhất quy trình quản lý luồng tiền vào ra khỏi tài khoản của nhà đầu tư tại ngân hàng lưu ký sang các CTCK làm TVBT khi tham gia giao dịch phái sinh. Trong công tác này, VSD sẵn sàng đồng hành các thành viên để tháo gỡ những rào cản về kĩ thuật.
Về phía nhà đầu tư, xuất phát từ đặc thù của HĐTL TPCP là tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán cao do phải chuyển giao số lượng lớn tiền và trái phiếu cũng như tính phức tạp trong khâu phân bổ, xác định số lượng chứng khoán và giá trị tiền thanh toán nên nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình thanh toán HĐTL TPCP cần lưu ý để đảm bảo không bị rủi ro thanh toán. Cụ thể, trong quá trình thanh toán chuyển giao, trong ngày đáo hạn, sau khi kết thúc giao dịch, nhà đầu tư bên mua có trách nhiệm chứng minh khả năng thanh toán tiền và nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm chứng minh khả năng thanh toán chuyển giao TPCP.
Trong trường hợp không chứng minh được khả năng thanh toán tiền, vị thế của nhà đầu tư bên mua sẽ được chuyển sang tài khoản của nhà đầu tư có vị thế đối ứng để đóng vị thế bắt buộc và thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư đối ứng đó. Nhà đầu tư bên bán được phép tiếp tục vay, mua số lượng TPCP còn thiếu (nếu có) để đảm bảo đủ TPCP cho phân bổ vào ngày E+2 và thanh toán vào ngày E+3. Các trường hợp thiếu TPCP để giao sẽ được chuyển sang thanh toán bằng tiền theo Quy chế của VSD. Ngoài ra, trước mắt cơ chế giao dịch HĐTL TPCP chỉ cho phép thực hiện đối với nhà đầu tư có tổ chức mà chưa cho áp dụng đối với nhà đầu tư cá nhân.
Mặc dù có những phức tạp nhất định trong quá trình thanh toán, song với những ưu điểm của sản phẩm HĐTL TPCP, tôi tin rằng sự ra đời của sản phẩm này sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tính thanh khoản của TTCKPS và gia tăng thêm cơ hội cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn các sản phẩm phái sinh để đáp ứng mục tiêu phòng vệ rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!