Vụ lấp hồ Đại Lải làm biệt thự nghỉ dưỡng, sân golf: Luật sư nói gì?
Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin việc một số đơn vị có dấu hiệu xâm lấn hồ Đại Lải (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) làm dự án bất động sản. Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra, chỉ ra ba dự án đang có hoạt động vi phạm công trình thủy lợi quanh hồ Đại Lải.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng trong vụ việc này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 41 cho phép chủ đầu tư san nền với thiết kế thấp nhất là 17,65m tại khu vực phía tây nam hồ. Như vậy, Quyết định 41 đã cho phép doanh nghiệp san nền dưới mực nước dâng bình thường của hồ (+21,50m), xâm phạm vào lòng hồ Đại Lải.
Phóng viên: Được biết, các thủ tục thực hiện dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vậy nếu xét trách nhiệm thì việc chịu trách nhiệm thuộc về phía nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định tại Điều 42 Luật thủy lợi năm 2017 về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi thì:
“3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền;
b) Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện bảo vệ công trình thủy lợi khi xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố;
c) Ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn;
d) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi do Bộ quản lý.”
Trong vụ việc này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 41 cho phép chủ đầu tư san nền với thiết kế thấp nhất là 17,65m tại khu vực phía tây nam hồ. Như vậy, Quyết định 41 đã cho phép doanh nghiệp san nền dưới mực nước dâng bình thường của hồ (+21,50m), xâm phạm vào lòng hồ Đại Lải.
Việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới mực nước dâng bình thường làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm tại Hồ Đại Lải.
Theo luật sư, việc tuân thủ luật pháp về quản lý sử dụng đất cũng như việc bảo vệ công trình thủy lợi trong các dự án trong trường hợp này cần được tuân thủ ra sao?
Theo quy định tại Điều 8 Luật thủy lợi năm 2017 thì các hành vi bị cấm trong đó có bao gồm:
“...10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.”
Như vậy, khi khai thác các dự án lớn thì cần lưu ý bảo vệ các công trình thủy lợi lân cận. Cụ thể, Điều 41 Luật thủy lợi 2017 quy định về phương án bảo vệ công trình thủy lợi như sau:
1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Phương án bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Đặc điểm địa hình, thông số thiết kế, sơ đồ mặt bằng bố trí công trình và chỉ giới cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
b) Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
c) Chế độ báo cáo, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất;
d) Quy định việc giới hạn hoặc cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình; quy định về phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ an toàn nơi lưu trữ tài liệu, kho tàng cất giữ vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại;
đ) Tổ chức lực lượng và phân công trách nhiệm bảo vệ công trình;
e) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào công trình;
g) Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng phụ cận của công trình;
h) Bảo vệ, xử lý khi công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố.
Dưới góc nhìn của luật sư đối với sự việc này, đây có phải là tình huống tương tự với sự việc xảy ra tại Nhà 8B Lê trực hay công trình nhà hàng trên đỉnh Mã Pí Lèng thời gian vừa qua?
Sự việc này vừa có điểm tương đồng lại vừa có sự khác biệt so với vụ tòa nhà 8B Lê Trực hay công trình nhà hàng trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Điểm tương đồng giữa cả ba vụ việc ở đây là: đều có sự vi phạm trong đầu tư và xây dựng các công trình.
Đối với vụ tòa nhà 8B Lê Trực, vấn đề nằm ở khâu xử lý vi phạm, tức là đã hoàn toàn xác định được sai phạm của công trình, của chủ đầu tư và đã có thể tìm được phương án giải quyết – đó là phá dỡ các tầng 17,18,19 của công trình. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại chưa xử lý và khắc phục hậu quả triệt để do vấn đề kỹ thuật và do đó kéo dài thời gian vụ việc.
Còn đối với vụ việc nhà hàng trên đỉnh Mã Pí Lèng, rõ ràng là chủ đầu tư không có giấy phép và vi phạm Luật Di sản Văn hóa. Thế nhưng vụ việc này lại thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là trên mạng xã hội, trong việc đưa ra phương án xử lý vi phạm: nên giữ lại công trình hay hoàn toàn dỡ bỏ khi thực tế là công trình cũng đem lại lợi ích kinh tế về du lịch và thu hút khách tham quan? Tuy nhiên, đến 17/7 vừa rồi thì chủ đầu tư công trình đã cho phá dỡ và cải tạo lại công trình.
Riêng đối với vụ việc ở hồ Đại Lải gần đây, ta không chỉ thấy dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư mà còn thấy cả sự buông lỏng trong quản lý nhà nước. Tình trạng hồ Đại Lải bị xâm lấn và bị xâm lấn nghiêm trọng đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, khiến cho việc khắc phục hậu quả hiện nay cũng cực kỳ khó khăn.
Ngoài ra, cũng từ vụ việc này cho thấy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều vấn đề, còn chưa hiệu quả. Trước đây, Tổng cục Thủy lợi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị UBND Tỉnh Vĩnh Phúc xử lý, khắc phục sai phạm, nhưng UBND tỉnh lại giao lại cho UBND TP Phúc Yên, và vẫn chưa có một quyết định phạt hành chính nào được đưa ra.
Có ý kiến cho rằng việc giữ gìn các công trình có tính biểu tượng lịch sử như hồ Đại Lải không hẳn là tìm mọi cách giữ nguyên nó một cách nguyên thủy mà làm thế nào để phục vụ đời sống con người, vừa mang lại những lợi ích kinh tế, phát triển xã hội, góp phần tạo dựng danh tiếng quốc gia. Theo luật sư, các công trình "sự đã rồi" như các dự án nghỉ dưỡng, sân golf quanh hồ Đại Lải có nên để tiếp tục để hoạt động, phát triển, thu hút khách du lịch?
Việc giữ gìn các công trình có tính biểu tượng lịch sử không phải là tìm mọi cách giữ nguyên nó một cách nguyên thủy, nhưng khi ta khai thác lợi ích về kinh tế, ta vẫn phải xem xét các phương án khả thi, không gây ra thiệt hại đáng kể và vẫn phải mang tính bảo tồn bởi đây là tài sản, di sản mang tính quốc gia chứ không phải cá nhân.
Bên cạnh đó, khi đã có sai phạm xảy ra thì phải xử lý vi phạm và phải tìm cách khắc phục chứ không thể lấy lý do “sự đã rồi” để tiếp tục làm ngơ và tạo điều kiện cho các sai phạm đó tiếp tục tồn tại. Nếu pháp luật không công bằng, không nghiêm thì về sau sẽ còn có nhiều cá nhân, tổ chức coi thường pháp luật và cố tình gây ra vi phạm.
Chỉ với việc chậm trễ trong phát hiện và xử phạt các vi phạm xảy ra ở hồ Đại Lải đã khiến cho diện tích lòng hồ bị thu hẹp đi rất nhiều. Nếu cứ tiếp tục “nhắm mắt cho qua” thì chắc chắn trong tương lai sẽ không còn có hồ Đại Lải nữa. Nói rộng ra, không chỉ riêng hồ Đại Lải mà còn rất nhiều các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch và di tích lịch sử cũng khó mà giữ được “an toàn”.
Riêng đối với các công trình xung quanh hồ Đại Lải hiện nay, sau khi khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm đúng người, đúng hành vi vi phạm, thì hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho phần còn lại hoạt động theo đúng pháp luật, giúp thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế của địa phương cũng như của đất nước.
Tháng 2/2020, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra, chỉ ra ba dự án đang có hoạt động vi phạm công trình thủy lợi.
Cụ thể: Dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải thi công đổ đất vào lòng hồ. Mặc dù khu vực thi công nằm trong phạm vi đất do chính quyền sở tại giao nhưng doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Dự án khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2 ha. Doanh nghiệp chưa có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến có hoạt động đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ nằm ngoài ranh giới đất được giao. Doanh nghiệp cũng chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.