Vực lại lòng tin


Trong 2 ngày điều trần trước các Ủy ban của Thượng viện và Hạ viện Mỹ, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đã phải trả lời nhiều câu hỏi “xoáy” của các nghị sĩ Mỹ, liên quan tới vụ rò rỉ và sử dụng dữ liệu cá nhân của người sử dụng Facebook.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuộc điều trần đầu tiên kéo dài gần 5 tiếng, được tiến hành trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông của Thượng viện ngày 10/4. Cuộc điều trần thứ hai diễn ra một ngày sau đó, trước các Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện.

Hai cuộc điều trần được tiến hành sau vài tuần kể từ khi vụ rò rỉ thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook, do Công ty Cambridge Analytica của Anh chuyên khai thác dữ liệu cá nhân trên mạng thu thập, bị phanh phui. Vụ bê bối đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đòi tẩy chay Facebook.

Mở đầu cuộc điều trần thứ nhất, Thượng nghị sĩ Dick Durbin đặt câu hỏi: “Anh có thể chia sẻ tên khách sạn anh ở tối qua không?” hay “Tên người bạn mà anh đã nhắn tin tuần trước?”. Bất ngờ trước những câu hỏi có phần tọc mạch đời tư này, Zuckerberg chỉ cười và từ chối trả lời.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Durbin lưu ý, đó là quyền riêng tư và các giới hạn về quyền riêng tư. Trong khi đó, bao nhiêu dữ liệu của người dân Mỹ như tên, câu trích dẫn, kết nối mọi người trên thế giới lại bị chính Facebook bán đứng.

Tại hai cuộc điều trần, Zuckerberg thừa nhận, Facebook lưu trữ mọi dữ liệu, kể cả từng cú nhấp chuột của người sử dụng. Đáng chú ý, Facebook cũng thừa nhận bán dữ liệu, bao gồm cả thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng, cho bên thứ ba, trong đó có Cambridge Analytica.

Song, Zucker một mực khẳng định, kể từ khi thành lập đến nay, lý tưởng và mục tiêu hoạt động của Facebook luôn mang tính tích cực nhằm kết nối mọi người và doanh nghiệp.

CEO Facebook cũng thẳng thắn nhận lỗi khi thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội Facebook bị khai thác và sử dụng trái ý muốn; đồng thời cho biết, Facebook đang nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới tốt hơn nhằm bảo mật thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng mạng xã hội này.

Zuckerberg còn khẳng định hoàn toàn ủng hộ Đạo luật Quảng cáo trung thực, trong đó đề xuất việc quản lý các hình thức quảng cáo online giống với quảng báo qua sản phẩm in ấn, phát thanh, truyền hình.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho rằng, kế hoạch của Facebook chưa đủ và cảnh báo, cần có một số điều chỉnh luật pháp và nghĩa vụ nhằm khắc phục lỗ hổng về bảo vệ quyền riêng tư hiện nay. Hệ thống pháp luật hiện hành không hiệu quả và cũng không khuyến khích các công ty quản lý trang mạng làm nhiều hơn để bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) hiện là cơ quan duy nhất giám sát hoạt động của Facebook, nhưng lại không có đủ thẩm quyền thi hành. Thượng nghị sĩ đại diện bang Louisiana John Kennedy cho rằng, Quốc hội nên sớm xem xét một dự luật hoàn toàn mới nhằm điều chỉnh tất cả những vấn đề liên quan tới Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác.

Các cuộc điều trần Zuckerberg trước Quốc Mỹ không chỉ nhằm làm sáng tỏ trách nhiệm của Facebook trong vụ việc, mà còn là cơ hội để nhà điều hành mạng xã hội này vực lại lòng tin nơi công chúng và đề ra những biện pháp tốt hơn bảo vệ dữ liệu của người sử dụng. Sau hai ngày điều trần, giá cổ phiếu của Facebook đã tăng trở lại lên 5%.