Vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" - thách thức đối với Việt Nam
Mô hình kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng-Ưu tiên và hành động” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển; trong đó có Việt Nam.
“Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ; trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức.
Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế; xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra định hướng quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu-phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
“Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng. Tuy nhiên, chúng luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng với sự hiện diện của nhiều diễn giả, học giả quốc tế có uy tín những ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ có đóng góp thiết thực không chỉ cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Việt Nam, mà cả cho việc xác định phương hướng, giải pháp phát triển nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của mình.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, cho biết khi chúng ta đang hướng tới thập kỷ tới với nhiều cơ hội cũng như các rủi ro: căng thẳng thương mại đang gia tăng và những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy. Những yếu tố này tác động đặc biệt đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.
Hiện, mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất...
“Vì vậy, mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu ở trên,” ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione cũng nhấn mạnh: “Một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia, và đây chính là những gì chúng tôi muốn rút ra từ cuộc đối thoại hôm nay. Chúng tôi muốn tập trung thảo luận về giải pháp để Việt Nam có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên các chính sách của mình và xây dựng một chương trình cải cách khả thi trong thập kỷ tới.”
Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận với 3 nội dung chính là: hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.