WB: Kiều hối của các nước nghèo có thể tăng trở lại vào năm 2017
Kiều hối, nguồn thu chính cho các nước nghèo nhất thế giới, có thể sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay. Đây là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo ngày 3/10.
Theo WB, hiện việc chuyển kiều hối về các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2017 đang trên đà tăng 4,8%, đạt 450 tỷ USD. Thể chế tài chính trên nhận định việc kinh tế ở Nga, châu Âu và Mỹ tăng trưởng, sẽ thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Á, Mỹ Latin và Caribbean tăng.
Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về khu vực Đông Á và Đông Nam Á lại giảm vì các nước vùng Vịnh - nguồn kiều hối truyền thống chính của các nước này, đang phải thắt chặt chi tiêu do giá dầu giảm, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động nớc ngoài.
Giới chuyên gia WB coi kiều hối là "phao cứu sinh" cho các nước đang phát triển, đặc biệt là sau khi các nước này phải hứng chịu các thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, phí chuyển kiều hối hiện vẫn ở mức cao, theo đó, nếu chuyển 200 USD về nhà sẽ mất phí trung bình 7,2%, cao hơn mục tiêu phát triển bền vững đặt ra là 3%. Do đó, WB kêu gọi các nước cắt giảm chi phí chuyển kiều hối.
Hiện Ấn Độ là nước có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất trong năm 2017, với 65 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc (61 tỷ USD), Philippines (33 tỷ USD). Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về Mexico đạt mức kỷ lục là 31 tỷ USD. WB dự báo lượng kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 3,5% trong năm 2018.