Khảo sát của NHTW Nhật: Niềm tin kinh doanh cao nhất trong 1 thập kỷ

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Kết quả cuộc khảo sát do NHTW Nhật (BOJ) tiến hành vừa được công bố sáng thứ Hai (2/10) cho thấy, niềm tin của các nhà sản xuất lớn vào điều kiện kinh doanh của Nhật Bản tăng cao nhất trong 1 thập kỷ khi nhu cầu toàn cầu đang tiếp thêm động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuộc khảo sát có tên gọi “tankan” được thực hiện hàng quý của BOJ cho thấy chỉ số chính về niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng mạnh lên 22 điểm trong tháng 9 từ mức 17 điểm trong cuộc khảo sát tháng 6, cao hơn dự báo trung bình của thị trường là 18 điểm và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Đây là quý thứ 4 liên tiếp niềm tin kinh doanh được cải thiện.

Chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp không sản xuất lớn đứng ở mức 23 điểm, không thay đổi so với tháng 6 và phù hợp với dự báo thị trường trung bình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp lớn kỳ vọng chi tiêu vốn tăng 7,7% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2018, thấp hơn so với dự báo trung bình của thị trường là tăng 8,3%. Tuy nhiên các nhà sản xuất và các doanh nghiệp phi sản xuất lớn cũng kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ xấu đi trong 3 tháng tới, cho thấy những quan ngại của họ về triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế.

Cuộc khảo sát sẽ là một trong những dữ liệu quan trọng được hội đồng quản trị BOJ xem xét kỹ lưỡng khi đưa ra các dự báo về kinh tế và giá cả tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 30-31/10 tới.

Kết quả được cho là khả quan này, theo các nhà phân tích, càng củng cố thêm kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách của BOJ là sự phục hồi kinh tế bền vững sẽ làm tăng tiền lương và chi tiêu hộ gia đình, qua đó giúp đẩy nhanh lạm phát hướng tới mục tiêu 2% đầy tham vọng của BOJ.

“Kết quả khả quan hơn dự kiến. Niềm tin của các nhà sản xuất lớn có lẽ là do đồng yên yếu và lợi nhuận của công ty tăng”, Yuichiro Nagai, nhà kinh tế tại Barclays Securities Japan cho biết và nhấn thêm: “Kết quả khảo sát phù hợp hoặc thậm chí mạnh hơn kịch bản của BOJ nhưng xu hướng giá vẫn còn yếu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi song giá cả vẫn tăng chậm chạp, BOJ có thể sẽ cắt giảm dự báo giá trong báo cáo triển vọng của mình”.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, cuộc khảo sát “tankan” của BOJ cũng có thể giúp Thủ tướng Shinzo Abe thuyết phục cử tri trong cuộc bầu cử ngày 22/10 rằng các chính sách kích thích “Abenomics” của ông đã cải thiện cuộc sống của họ.

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,5% trong quý II so với cùng kỳ năm trước nhờ chi tiêu tiêu của người tiêu dùng và của doanh nghiệp tăng mạnh, càng củng cố thêm niềm tin vào sự phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, mặc dù sẽ chậm lại so với tốc độ tăng trưởng đặc biệt của quý II, song nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng 1,1% trong quý III.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền lương, kéo theo đó là giá cả, vẫn rất yếu do các công ty vẫn thận trọng chuyển lợi nhuận cho người lao động; và điều đó buộc BOJ đã phải 6 lần đẩy thời hạn để đạt được mục tiêu lạm phát 2% kể từ khi nó triển khai gói kích cầu lớn vào năm 2013.

BOJ hy vọng lạm phát sẽ đạt 2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020 với niềm tin thị trường lao động thắt chặt và tăng trưởng kinh tế vững chắc sẽ dần dần đẩy giá lên.

Liên quan đến việc các nhà sản xuất lớn dự báo các điều kiện kinh tế sẽ xấu đi, Nagai cho biết là do các công ty khá thận trọng về triển vọng, nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện. Đó là bởi kỳ vọng lãi suất đồng yên sẽ tăng hơn hiện tại, từ đó có thể giúp các công ty tăng lợi nhuận nếu lãi suất thực tế thấp hơn mức kỳ vọng.