WB: Kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 20/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo "điểm lại" tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2015. Bên cạnh các đánh giá về triển vọng kinh tế, chuyên gia WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các dữ liệu kinh tế tốt qua câu chuyện vỡ nợ của Hy Lạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng cả năm ở mức 6 – 6,2%

Theo báo cáo, trong 6 tháng qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với điều kiện lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề nợ công tăng nhanh là một quan ngại và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách. Mặc dù vậy, các chuyên gia của WB cho rằng rủi ro huy động tài chính bên ngoài vẫn được kiềm chế do Việt Nam có mức nợ nước ngoài tương đối thấp (và chủ yếu là vay ưu đãi) và cơ cấu dòng vốn vào chủ yếu là vốn đầu tư FDI.

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân FDI tăng 9,6% lên 6,3 tỷ USD cho dù cam kết mới là 5,5 tỷ USD, thấp hơn gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ quay vòng nợ nước ngoài vẫn được giữ vững nhờ dòng vốn chính thức và nâng xếp hạng tín dụng khi cả Moody’s và Fitch đều tăng xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên một bậc với triển vọng ổn định.

Một vấn đề nữa với nền kinh tế là xuất khẩu suy giảm, nhập khẩu tăng nhanh đã đẩy tài khoản vãng lai thâm hụt trong quý I/2015. Cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã yếu đi trong những tháng đầu năm, tuy nhiên theo các chuyên gia, lượng kiều hối mạnh sẽ bù đắp phần nào lượng thâm hụt thương mại nên tài khoản vãng lai vẫn đạt thặng dư không nhiều vào cuối năm.

Đánh giá về tiến trình cải cách cơ cấu, WB cho rằng, tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt trong cơ cấu lại DNNN và một phần trong cải cách ngân hàng.

“Cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu, VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu”.

Đánh giá chung về triển vọng trung hạn, WB cho rằng kinh tế có nhiều triển vọng tích cực, dù vẫn còn nhiều rủi ro thách thức như đã nêu. Kịch bản cơ sở được dự đoán cho năm 2015 là tăng trưởng cả năm ở mức 6 – 6,2%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,5%, thặng dư tài khoản thanh toán vãng lai 0,5% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 5% GDP.

Chứng khoán Trung Quốc không tác động lớn đến Việt Nam

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do dự báo tăng trưởng của WB với Việt Nam thấp hơn mức dự báo của Chính phủ là 6,5%, ông Sandeep Mahajan cho rằng: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao là 6,5%. Tuy nhiên, WB vẫn đưa ra dự báo thận trọng hơn ở mức 6 – 6,2% là do xét những rủi ro bất lợi của kinh tế toàn cầu vẫn cao, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm lần đầu tiên xuống mức 1 con số sau một thời gian dài tăng trưởng cao.

Về tác động của giá dầu giảm đối với thu ngân sách, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, nguồn thu này chiếm không nhiều trong tổng thu ngân sách ở Việt Nam. Trong bối cảnh giá dầu giảm, Bộ Tài chính đã có chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề, do vậy, sẽ không tác động lớn đến nguồn thu của Việt Nam.

Về tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm, ông Sandeep Mahajan cho rằng tác động sẽ hạn chế do độ mở của thị trường tài chính Việt Nam chưa cao so với các thị trường mới nổi, những nơi có mức độ mở của các tài khoản vốn lớn hơn Việt Nam.

Liên quan đến thị trường tài chính quốc tế, Giám đốc WB tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa cho rằng câu chuyện Hy Lạp vừa qua là bài học quan trọng trong công tác quản lý tài chính. Vấn đề của Hy Lạp đã được tích lũy trong một thời gian dài và trong quá trình đó, một số dữ liệu kinh tế đã được công bố không chính xác.

“Chất lượng của dữ liệu rất quan trọng trong việc ra quyết định về kinh tế, số liệu minh bạch, chính xác là nền tảng cho chính sách tốt. Đây là một bài học quan trọng cho Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh. “Việt Nam ở vị thế tốt hơn nhiều so với Hy Lạp, nhưng chúng ta cũng phải theo dõi chặt chẽ về ngân sách, tài khoá, thận trọng trong vay nợ và chi tiêu”.