Thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Theo Hải Thanh/daibieunhandan.vn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn. Từ hội nghị tham vấn này, nhiều lý do khiến nguồn vốn FDI đang xa rời lĩnh vực nông nghiệp đã được chỉ rõ.

Đầu tư FDI vào nông nghiệp đi “giật lùi”

Trong khi đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ du lịch, công nghệ cao... thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc.

Thậm chí, trong tháng 2/2015, chỉ có một dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 100.000USD - một con số quá nhỏ so với tổng vốn FDI cam kết trong tháng này là trên 392 triệu USD.

Và có thể nói, việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp đang đi giật lùi, vì năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp còn chiếm tới 8% tổng vốn FDI của cả nước, thì đến nay chỉ còn chiếm 1,46% tổng vốn FDI cam kết vào nước ta. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi, còn rất ít dự án đầu tư vào thủy sản, nông sản.

Kết quả này hoàn toàn trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này của nước ta - là quốc gia luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... nhiều nhất thế giới.

Giám đốc Bộ phận kỹ thuật và đăng ký Công ty Bayer HealthCare Việt Nam Trần Thanh Hương cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp do thủ tục hành chính thực hiện chậm, nhất là thủ tục khảo nghiệm kéo dài rất lâu, thường phải mất vài ba năm thực hiện mới cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm.

Do sự chậm trễ này mà sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao rất dễ trở thành lỗi thời khi được cho phép đưa vào sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp thực hiện để rút ngắn thời gian làm thủ tục cấp phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là về đất đai. Bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp FDI không được thuê đất bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sản xuất.

Song nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp lớn để thực hiện khảo nghiệm. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện trái luật bằng cách thuê đất canh tác ở lân cận khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nếu để làm đúng quy định của luật, thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng với nông dân, và chịu khó đứng trước rủi ro họ “bể kèo”, phá hợp đồng. Mặt khác, quá trình khảo nghiệm về giống cây trồng, sản phẩm phục vụ nông nghiệp thường đòi hỏi thực hiện nghiêm theo quy trình, nên doanh nghiệp khó mà yên tâm nếu phải phụ thuộc vào ý thức của nông dân.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Tống Xuân Chinh cũng cho biết, các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào chăn nuôi cũng đang mắc kẹt trong tiếp cận đất sản xuất.

Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp đến từ New Zealand, Australia, Trung Đông… muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ đòi hỏi có vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ rộng từ 500ha trở lên. Ở nước ta, thu được khoảng đất 500ha liền kề không hề đơn giản.

Vì vậy, ông Tống Xuân Chinh đề nghị, Bộ NN - PTNT cần rà soát lại toàn bộ các nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả. Huy động mặt bằng từ các nông lâm trường này, tạo liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI được cho là giải pháp hợp lý.

Mở đường cho FDI

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, Bộ NN - PTNT đã dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, sẽ không phân biệt áp dụng các ưu đãi trong việc tiếp cận nguyên liệu, tài nguyên... giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà nước cũng có chính sách bảo lãnh thực hiện các dự án lớn; thực hiện chính sách thuê đất, chính sách tích tụ đất, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác với từng hộ nông dân, cung cấp đất sạch cho dự án liên quan tới nông nghiệp, nông thôn khi có yêu cầu; khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thực hiện các dự án.

Dự thảo Nghị định cũng sẽ xem xét ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn; áp dụng công nghệ cao, khu cánh đồng mẫu lớn; ưu đãi 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đối với doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu và sản xuất tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đặc biệt ưu đãi.

Dự thảo Nghị định được xây dựng với kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, đem lại mô hình quản lý mới, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy, những khó khăn của doanh nghiệp nước ngoài cũng không khác với cái khó của doanh nghiệp trong nước. Vậy từ chính sách mang tính đột phá về tích tụ đất, ưu đãi thuế, cải cách thủ tục hành chính với vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, thì có thể nghĩ đến một chính sách tương tự cho doanh nghiệp trong nước không?