WB tăng khả năng cho vay thêm 30 tỷ USD trong 10 năm tới
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí thay đổi các quy định cho vay nội bộ, cho phép bơm thêm 30 tỷ USD trong thập kỷ tới để giúp các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác. Quyết định này nằm trong một loạt những nỗ lực cải cách của ngân hàng nhằm đáp ứng những thách thức mới đặt ra.
“Bơm” thêm 30 tỷ USD để mở rộng khả năng cho vay
Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết chi nhánh Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của WB sẽ giảm 1 điểm phần trăm tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn cho vay xuống còn 18%, chấp nhận thêm một chút rủi ro khi tiếp tục thực hiện những biện pháp cải cách được nêu trong báo cáo độc lập được lập cho các nền kinh tế lớn của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và được các cổ đông yêu cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters NEXT Newsmaker, ông Banga cho biết động thái này, cùng với những thay đổi trong chính sách định giá của ngân hàng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ tăng khả năng cho vay lên tổng cộng 150 tỷ USD trong vòng 7 - 10 năm tới thông qua điều chỉnh bảng cân đối kế toán.
"Hôm nay, chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Quản trị để thay đổi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay xuống thêm một phần trăm nữa. Quyết định này giúp giải phóng năng lực trong bảng cân đối kế toán và cho phép WB có khả năng cho vay nhiều hơn", ông Banga cho biết. Khi được hỏi liệu có thể điều chỉnh giảm thêm hay không, ông Banga nói rằng WB sẽ tiếp tục xem xét các công cụ mới như vốn hỗn hợp và các cách để tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của mình.
Ngân hàng cho biết họ có thể giảm tỷ lệ này trong khi vẫn bảo vệ được xếp hạng tín dụng AAA của mình bằng cách tăng cường hệ thống giám sát xếp hạng tín dụng và bổ sung các biện pháp dự phòng nếu "một sự kiện căng thẳng" xảy ra.
WB đưa ra những điều chỉnh trên trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, như chiến tranh ở Ukraine, bạo lực leo thang ở Trung Đông, thảm họa khí hậu ngày càng tồi tệ và nhiều quốc gia đối mặt với mức nợ công khổng lồ. Chủ tịch Banga cho biết một trong những thách thức lớn nhất đang đặt ra là khoảng cách giữa số việc làm và số lao động cần việc làm ngày càng lớn, khi thế giới chỉ có thể cung cấp 800 triệu việc làm cho 1,2 tỷ người sẽ đến tuổi lao động trong 10 năm tới. Ngoài ra, một số chuyên gia ước tính các nước đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ cần ít nhất 3 nghìn tỷ USD tiền tài trợ hàng năm để giải quyết các đại dịch trong tương lai, biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
Lần gần nhất IBRD thay đổi tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn cho vay là vào năm 2023, giảm từ 20% xuống 19%.
Những động thái cải cách mạnh mẽ
WB cho biết, Hội đồng Quản trị cũng đã phê duyệt những thay đổi trong cơ cấu lãi suất để giúp các quốc gia đi vay trả nợ dễ dàng hơn, bao gồm lãi suất chiết khấu cho các khoản vay ngắn hạn, các khoản vay 7 năm và mở rộng mức lãi suất thấp nhất của IBRD cho các quốc gia nhỏ, dễ bị tổn thương hơn.
Ông Banga cho biết WB cũng đang thúc đẩy việc bổ sung Quỹ cho vay dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới (IDA) hơn 100 tỷ USD, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu 120 tỷ USD nằm trong khả năng, như một số nhà lãnh đạo châu Phi và Caribe đã đề xuất. "Nếu chúng ta đạt được con số 120 tỷ USD thì đây sẽ là con số ấn tượng, đó là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới", ông nói.
Để đạt được tổng số đó, các cổ đông của WB và các nước tài trợ sẽ phải tăng mức đóng góp từ 24 tỷ USD lên 30 tỷ USD, đây sẽ là một thách thức khi xét đến sự tăng giá của đồng USD và những thách thức về tài chính nội bộ của các nước.
"Chúng tôi đang đấu tranh vô cùng quyết liệt để để đạt tới mục tiêu này", ông nói và lưu ý rằng Đan Mạch đã tuyên bố tăng 40% đóng góp của mình và các quốc gia khác bao gồm Anh và Tây Ban Nha đang cân nhắc khả năng mở rộng hầu bao. Ông khẳng định tương đối lạc quan rằng Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng sẽ đóng góp "một khoản tiền lớn", nhưng không nêu chi tiết.
Ông Banga cho biết sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, người đi đầu trong việc kêu gọi WB nỗ lực cải cách để đáp ứng các nhu cầu thực tế hiện nay.
"Nhìn chung, bà Janet Yellen rất ủng hộ những nỗ lực của chúng tôi", ông nói, đồng thời lưu ý rằng ngân hàng cũng đang cố gắng rút ngắn thời gian phê duyệt của Hội đồng Quản trị đối với các dự án mới. Ông cho biết, thông thường mất trung bình 19 tháng để phê duyệt các đề xuất, nhưng hiện đã giảm xuống còn 16 tháng và sắp tới sẽ rút xuống còn 12 tháng. Ông cũng nói thêm rằng một số dự án đã được phê duyệt trong vòng chưa đầy một năm.
Ông Banga cho biết ông đã thành lập một Hội đồng mới chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm. Hội đồng này do Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam và cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet đứng đầu, sẽ họp lần đầu tiên trong cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào tuần tới.