World Bank: Kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của World Bank (WB) đánh giá Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, các chỉ số di chuyển chính đã phục hồi hoàn toàn. Số lượt đến nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm và các điểm bán lẻ, giải trí khác đã đạt mức như trước đại dịch.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ trước đại dịch. Sản xuất đồ uống tăng 13,8% (so cùng kỳ năm trước), cho thấy tiêu dùng trong nước đang mạnh lên. Sản xuất may mặc, giày da và máy vi tính, điện tử và sản phẩm quang học cũng duy trì tăng trưởng vững chắc với tốc độ lần lượt là 26,8%, 17,9% và 16,8% (so cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị giảm tốc từ tốc độ tăng trưởng 26,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống còn lần lượt 6,1% và 3,7% vào tháng 4 và tháng 5.

Theo WB, xu hướng chững lại này có thể liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7% trong tháng 4 lên 54,7% trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng với tốc độ kỷ lục 22,6% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 12,7% trong tháng 4.

Tốc độ tăng trưởng này phản ánh sự củng cố của tiêu dùng trong nước và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3/2022.

Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.

Trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp (vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, điều tích cực là vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp (vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5, là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dồi dào.

Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% (so cùng kỳ năm trước), tháng tăng thứ 5 liên tiếp nhờ tổng cầu trong nước được củng cố. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,0% kế hoạch Quốc hội giao, tăng nhẹ so với tỷ lệ 21,4% ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Về xuất nhập khẩu, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 25,2% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 4 xuống còn 18% trong tháng 5, trong khi tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục đi ngang với tốc độ 14,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 5, so với tốc độ 16,5% vào tháng 4.

Xuất khẩu sang Mỹ giữ vững tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 29,2% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu từ 19,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 xuống chỉ còn 3,6% trong tháng 5.

Sự giảm tốc này chủ yếu xuất phát từ xuất khẩu điện thoại giảm và xuất khẩu máy vi tính và điện tử chững lại, rất có thể do tác động của tình trạng giãn cách xã hội ở thị trường này.

Cũng trong báo cáo này, Ngân hàng Thế giới cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.