Xây dựng các tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

NCS. Huỳnh Châu Mai Sơn - Học viện Khoa học Xã hội, Quản lý kinh tế

Bài viết tập trung phân tích thực trạng và đánh giá quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2010 – 2021. Thông qua khảo sát 274 các cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã đang công tác tại các vị trí liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai tại tỉnh Bạc Liêu, nghiên cứu đã xây dựng 4 tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010 – 2021: (i) Tiêu chí hiệu lực của quản lý nhà nước về đất đai; (ii) Tiêu chí hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai; (iii) Tiêu chí phù hợp của quản lý nhà nước về đất đai; (iv) Tiêu chí bền vững của quản lý nhà nước về đất đai.

Đặt vấn đề

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại và vướng mắc như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng về xây dựng các tiêu chí quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là cần thiết.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát 274 các cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã đang công tác tại các vị trí liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2010-2021. Sau đó, số liệu nghiên cứu được thực hiện phân tích qua phần mềm phân tích thống kê SPSS 22 và thang đo Likert 5 để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Kết quả nghiên cứu

Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

- Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (2021), giai đoạn 2010-2021, việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu làm biến động tổng diện tích đất theo mục đích sử dụng đất từ năm 2010 đến năm 2021, cụ thể là: Tổng diện tích năm 2021 (266.788,22 ha) giảm so với năm 2010 (266.922,44 ha) là 134,22 ha.

Trong đó, có sự biến động theo từng mục đích sử dụng đất: Đất nông nghiệp năm 2021 (223.180,02 ha) giảm so với năm 2014 (223.870,52 ha) là 690,5 ha; Đất phi nông nghiệp năm 2021 (27.904,47 ha) giảm so với năm 2010 (23.553,9 ha) là 4.350,57 ha; Đất chưa sử dụng năm 2021 (15.703,73 ha) tăng so với năm 2014 (19.498,01 ha) là 3.794,28 ha.

- Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất:

Giai đoạn từ năm 2010-2021, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện quản lý giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử đất theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 203 dự án với diện tích 2.208,04 ha và 2.474 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 333,21 ha.

Công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền. Công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được niêm yết công khai lấy ý kiến của người bị thu hồi đất, từ đó nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng người bị thu hồi đất nhằm giải quyết kịp thời quyền lợi và những vướng mắc của người bị thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

- Quản lý tài chính về đất đai và giá đất:

Giai đoạn 2010-2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giá các loại đất trong bảng giá đất về cơ bản phù hợp với giá đất thị trường và có điều chỉnh tăng giá đất tại một số vị trí, đường phố, khu vực có đầu tư nâng cấp hạ tầng tốt hơn, đồng thời điều chỉnh giảm giá đất tại một số vị trí, tuyến đường, khu vực cho phù hợp với giá đất thị trường tại tỉnh Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất 12 khu đất, tổng diện tích là 4,62 ha, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thu 222.203 tỷ đồng; Đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thu 8,685 tỷ đồng/năm.

Những quy định về tài chính đất đai liên quan trực tiếp trong giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, phát triển quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất được tỉnh Bạc Liêu công khai, minh bạch, đảm bảo sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và khai thác các nguồn thu từ đất đai theo cơ chế thị trường một cách hiệu quả, lâu dài, bền vững, phát huy nguồn lực từ đất đai phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

- Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai:

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh đều tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về việc thi hành pháp luật đất đai. Qua thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật đất đai, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai với tổng số cuộc thanh tra là 73 cuộc (1.201 tổ chức và cá nhân). Trong đó, theo kế hoạch 30 cuộc 189 tổ chức; Thanh tra đột xuất 43 cuộc 1.012 tổ chức và cá nhân. Số đợt thanh tra có xu hướng tăng lên theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Đánh giá nội dung quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Tiêu chí hiệu lực của quản lý nhà nước về đất đai

Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tính hiệu lực tương đối cao, điều này được thể hiện qua qua mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với các thang đo luôn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, Bảng 1 cho thấy, khi xem xét từng chỉ tiêu đo lường tính hiệu lực của quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, có sự khác nhau trong kết quả thực hiện các chỉ tiêu này.

 

Bảng 1: Kết quả đo lường tiêu chí hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đất đai

Chỉ tiêu

Tỷ lệ mức độ đồng ý (%)

1

2

3

4

5

Sử dụng hợp lý quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

17,9

22,1

30,1

28,5

1,4

Bảo vệ quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất

19,6

22.6

24,2

28,9

4,7

Mức độ thực hiện đúng định hướng, chính sách, pháp luật về đất đai

18,9

22,1

28,1

28,7

2,2

Mức độ đạt được mục tiêu quản lý nhà nước

15,7

24,3

34,1

24,7

1,2

Ghi chú: 1-Rất không đồng ý; 2-Không đồng ý, 3-Tương đối đồng ý, 4-Đồng ý, 5-Rất đồng ý

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu khảo sát

Tiêu chí hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai

Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai được đánh giá thông qua 3 chỉ tiêu cơ bản đó là: Hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Mức độ đóng góp của nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu; Mức độ lãng phí sử dụng đất đai. Cụ thể như sau:

(i) Hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu: Kết quả điều tra, khảo sát về hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho thấy, hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung rất đồng ý chiếm 52,3%, đồng ý 25,6%, tương đối đồng ý 9,8%, không đồng ý 6,8%, rất không đồng ý 5,5%. Điều này cho thấy, quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và tổng thể.

(ii) Mức độ đóng góp của nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu: Qua khảo sát cho thấy, hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung rất đồng ý chiếm 54,4%, đồng ý 23,2%, tương đối đồng ý 10,8%, không đồng ý 4,9%, rất không đồng ý 6,7%. Điều này cho thấy, mức độ đóng góp của nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đất đai ở Bạc Liêu được đánh giá còn phân tán và chưa được quản lý hiệu quả. Tình trạng lấn chiếm đất công chưa được giải quyết triệt để. Việc quản lý đất công còn nhiều hạn chế, bất cập là do một số cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong quản lý đất công; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thiếu quan tâm theo dõi, thanh tra, kiểm tra, đùn đẩy trách nhiệm; chưa kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm… dẫn đến gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

(iii) Mức độ lãng phí sử dụng đất đai: Chỉ tiêu này ở tỉnh Bạc Liêu nhận được sự đồng ý khá cao từ các đối tượng được khảo sát, trong đó hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung rất đồng ý chiếm 51,5%, đồng ý 16,4%, tương đối đồng ý 17,8%, không đồng ý 7,9%, rất không đồng ý 6,4%. Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai kém hiệu quả, nhưng chưa được khắc phục; tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi. Số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương của tỉnh Bạc Liêu. Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ…

Tiêu chí phù hợp của quản lý nhà nước về đất đai

Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy tính phù hợp của quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có sự thay đổi theo từng nội dung đánh giá. Cụ thể là:

(i) Về mức độ phù hợp của quản lý nhà nước về đất đai với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu: Quản lý nhà nước về đất đai cần sự phù hợp nhất định với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 23,9% và 40,1%. Các ý kiến khảo sát cho rằng, hoạt động quản lý nhà nước về đất đai còn thay đổi chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ đất đai chưa được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.

(ii) Về mức độ phù hợp của chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về đất đai: Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, mức độ phù hợp của chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về đất đai cho thấy hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 26,2% và 36,4%. Điều này nhận thấy, các công cụ chính sách đất đai chưa hiệu quả, các công cụ tổ chức, năng lực công vụ của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở tỉnh Bạc Liêu còn nhiều hạn chế. Hầu hết công cụ pháp luật - kinh tế chưa được sử dụng để tạo hiệu quả cho chính sách biến đất thành nội lực cho phát triển.

(iii) Về mức độ phù hợp của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai: Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, mức độ phù hợp của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai cho thấy hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 31,3% và 42,4%. Bộ máy quản lý nhà nước về đất đai tỉnh Bạc Liêu cơ bản tương đối phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Tỉnh còn có những hạn chế nhất định.

Tiêu chí bền vững của quản lý nhà nước về đất đai

Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy quản lý nhà nước về đất đai đã có những tác động to lớn tới phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng hết sức chú trọng đến tính bền vững trong hoạt động quản lý. Cụ thể như sau:

Bảng 2: Kết quả đo lường tiêu chí bền vững của quản lý nhà nước về đất đai

Chỉ tiêu

Tỷ lệ mức độ đồng ý (%)

1

2

3

4

5

Mức độ cân bằng trong phân bổ lợi ích, rủi ro giữa các bên liên quan đến đất đai

2,4

7,6

10,9

32,8

46,3

Mức độ ổn định của chính sách, pháp luật về đất đai

0,7

2,9

9,5

33,0

53,9

Năng lực quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường

0,9

2,3

14,1

47,9

34,8

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu khảo sát

Về mức độ cân bằng trong phân bổ lợi ích, rủi ro giữa các bên liên quan đến đất đai: Mức độ cân bằng trong phân bổ lợi ích, rủi ro giữa các bên liên quan đến đất đai có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 32,8% và 46,3% cho thấy, các ý kiến được khảo sát đánh giá lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và nhà đầu tư dường như chưa thực sự hài hòa. Người sử dụng đất có những bất lợi về thông tin và chịu những rủi ro, những bất lợi, khả năng được thụ hưởng những lợi ích trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất.

Về mức độ ổn định của chính sách, pháp luật về đất đai: Khảo sát cho thấy hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 33,0% và 53,9%. Sự ổn định về chính sách, pháp luật về đất đai là một trong những điểm đáng ghi nhận trong quản lý nhà nước về đất đai ở tỉnh Bạc Liêu.

Về năng lực quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường: Hầu hết ý kiến của người được khảo sát tập trung vào mức độ đồng ý, rất đồng ý với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 47,9% và 34,8%. Các ý kiến khảo sát đánh giá các hạn chế trong năng lực quản lý nhà nước về đất đai được thể hiện ở các phương diện: Năng lực lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa tương xứng. Quy hoạch sử dụng đất vẫn chung chung, không sát thực tế, không ổn định, bất cập và triển khai thực hiện không thành công.

Kết luận

Nghiên cứu đã xây dựng các tiêu chí đánh giá nội dung quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Việc đánh giá các nội dung quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được thực hiện thông qua việc đo lường kết quả thực hiện từng tiêu chí. Nghiên cứu đã đạt được mục đích là xây dựng các tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010-2021, cụ thể: Tiêu chí hiệu lực của quản lý nhà nước về đất đai; Tiêu chí hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai; Tiêu chí phù hợp của quản lý nhà nước về đất đai và Tiêu chí bền vững của quản lý nhà nước về đất đai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (2021), Báo cáo số 127/BC-UBND ngày 13/5/2021 về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Đất đai;
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (2019), Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND Bạc Liêu quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu;
  3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (2022), Báo cáo 158/BC-STNMT ngày 28/4/2022;
  4. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (2022), Báo cáo số 43/BC-STNMT ngày 21/02/2022.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023