Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến của cơ quan quản lý nhà nước

Bùi Quỳnh Trang, Lã Thị Quỳnh Mai - Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Đại học Thái Nguyên

Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ cao luôn được Trung ương và các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước đã được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Qua phân tích thực trạng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan quản lý nhà nước, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Nhân dân
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Nhân dân

Khái quát về dịch vụ công trực tuyến

Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân.

Nghị định số 42/2022/NĐ-CP thay đổi một số quy định về các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo đó phân loại thành 02 mức độ dịch vụ công trực tuyến tập trung triển khai áp dụng chữ ký số trên cổng thông tin dịch vụ, bao gồm:

- Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Dịch vụ công trực tuyến một phần: Là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện của dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Thực trạng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam

Bảng 1: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến giai đoạn 2021 - 2022

Chỉ tiêu

Năm 2021

Năm 2022

Tổng số hồ sơ

17.732.830

26.878.941

Số hồ sơ nộp trực tuyến

2.195.685

9.549.172

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến (%)

12,38

35,53

Nguồn: Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia ngày càng tăng. Năm 2021, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 12,38%, đến năm 2022 tỷ lệ này đã tăng lên đạt 35,53%.

Mặc dù, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến có sự gia tăng đáng kể nhưng mức độ đạt được vẫn đang ở mức thấp. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến hoặc là không biết về dịch vụ này nên vẫn đến các cơ quan để nộp hồ sơ trực tiếp.

Hình 1: Kết quả xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2022
Nguồn: Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Hình 1: Kết quả xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2022

Nguồn: Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Nguyên nhân khiến dịch vụ công trực tuyến chưa phát huy được hiệu quả cao là khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận dân cư, chủ yếu là lao động nông thôn còn thấp. Nhiều người dân không có điều kiện tiếp xúc với máy tính, mạng internet nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Việc mở tài khoản qua dịch vụ công yêu cầu phải có số điện thoại chính chủ, trong khi nhiều người dân sử dụng số điện thoại không chính chủ hoặc thông tin của nhà mạng không khớp với dữ liệu quốc gia dân cư, khiến việc cấp tài khoản trên cổng dịch vụ công gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do tâm lý và thói quen của tổ chức, công dân khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước thường lo ngại về sự không thuận tiện, sợ mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên chỉ muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ cho yên tâm.

Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng dịch vụ công trên hệ thống điện tử của nhiều địa phương cũng như công tác tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế. Điều này đã khiến cho người dân chưa biết, chưa hiểu cách thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng số dù được cải thiện, nhưng tốc độ mạng băng thông rộng cố định, di động vẫn ở mức trung bình khá, chưa tạo đột phá để phục vụ chuyển đối số quốc gia. Nhiều cơ sở dữ liệu chậm triển khai, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả… đã cản trở việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã và đang giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn vẫn còn ở mức tương đối cao, tháng 1 là 29,71% và tháng 12 tỷ lệ này là 30,81%. Nguyên nhân xử lý chậm hồ sơ một phần là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; một bộ phận công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, chưa đổi mới lề lối, tác phong làm việc, chưa quyết liệt theo đuổi công việc được giao và thiếu chủ động trong tham mưu giải quyết công việc…

Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng

Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần phải khắc phục để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến. Để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện các nội dung như: Rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến các thủ tục hành chính, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến như là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để giảm các giấy tờ, thời gian, người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Các cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng việc triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của các thủ tục hành chính được thực hiện qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tất cả các trường hợp bảo đảm đủ điều kiện nộp hồ sơ trực tuyến, cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm hướng dẫn tạo lập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến, góp phần gia tăng mức độ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp. Cần có các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng chính phủ số.

Các địa phương nên xem xét thành lập các tổ công nghệ cộng đồng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đảm bảo đủ kỹ năng, trình độ để thực hiện quy trình, nghiệp vụ và tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới trực tuyến đồng bộ, hiện đại, có tính cập nhật cao, an toàn và đáp ứng cho mọi hoạt động truy xuất thông tin nhanh chóng, hiệu quả; thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân...

Cần tập trung vào giải pháp đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường pháp lý cần được quan tâm, các văn bản luật liên quan tới thanh toán điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến cần được minh bạch nhằm bảo đảm môi trường giao dịch tin cậy và an toàn. Đồng thời, khâu bảo mật trong đường truyền, dữ liệu cần được chú ý nhằm bảo vệ người tham gia giao dịch trước các rủi ro tài chính.

Kết luận

Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính mang đến nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Trong thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế và bất cập cần được khắc phục kịp thời. Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, ngoài sự nỗ lực của nhà nước, thì người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại. Mạnh dạn sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và đảm bảo thuận tiện. Với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân chắc chắn sẽ góp phần xây dựng thành công nền hành chính hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2022), Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;
  2. Nguyễn Văn Chính (2023), Một số giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng của Bộ Quốc phòng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân;
  3. Cổng dịch vụ công quốc gia, Kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương năm 2021 và năm 2022;
  4. Ninh Cơ (2022), “Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến”, Báo Nhân dân;
  5. Vũ Thế Duy (2022), Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công, Tạp chí Quản lý Nhà nước;
  6. Đặng Thị Hà (2021), Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong bối cảnh mới, Tạp chí Quản lý Nhà nước;
  7. Lương Vân Hà, Phạm Thanh Hải, Nguyễn Thu Hà (2022), Ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Việt Nam, Tạp chí Công thương;
  8. Vũ Văn Phán (2018), Bộ Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam;
  9. Bui Quynh Trang, Duong Thi Quynh (2022), Improving the efficiency of socialization of public services in Vietnam, International Journal Of All Research Writings.