Xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cùng với việc chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong việc xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL), các nhà khoa học cho rằng các vấn đề về nhận thức, quan điểm, hoàn thiện chính sách trong xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng cần được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Đảng.
Chiều 29/9, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp tổ chức đàm trực tuyến “Xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM đồng chủ trì tọa đàm.
Nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược cho vùng ĐBSCL
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng, chiến lược trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công; có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Với vị trí quan trọng đặc biệt, ĐBSCL luôn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược đã được nêu tại các Nghị quyết, Chiến lược. Và triển khai các Nghị quyết, Kết luận nêu trên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là cam kết của Chính phủ với tương lai của vùng châu thổ trước những cơ hội và thách thức mới.
Sau 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, 8 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW và hơn 3 năm thực hiện NQ120/NQ-CP, Vùng ĐBSCL đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng; đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, bước đầu trong việc tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực trên cơ sở vận hành theo chuỗi giá trị, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.
Thành công trong hội nhập quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết, trong đó có một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA đã và sẽ tiếp tục mở đường cho hàng nông sản thâm nhập vào thị trường thế giới trên cơ sở nội lực và hệ thống chính sách được ban hành, thực thi.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp của vùng đang bộc lộ nhiều hạn chế lớn về liên kết chuỗi cung ứng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập của nông dân chưa được đảm bảo, giá trị gia tăng tổng thể của ngành thấp. Đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế; chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Điều đó làm cho sức cạnh tranh và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp nước ta còn thấp đặc biệt là những khâu có giá trị gia tăng cao.
“Kết quả tổng kết từ buổi Tọa đàm là thông tin hữu ích để phục vụ cho Đề án tổng kết NQ 21-NQ/TW; để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Hoàn thiện chính sách phát triển chuỗi giá trị ngành hàng vùng ĐBSCL
Tại Tọa đàm, các tham luận của các nhà khoa học đã tập trung làm rõ đặc điểm, thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của Vùng như: lúa gạo, thuỷ sản, trái cây... ; chỉ rõ những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm; những điểm nghẽn về thể chế đối với phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành và sản phẩm trong giai đoạn phát triển tới của Vùng.
Các nhà khoa học, các đại biểu cũng đã kiến nghị những nhận thức, quan điểm, hoàn thiện chính sách phát triển chuỗi giá trị ngành hàng của vùng ĐBSCL cần được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Đảng.
Nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở phân tích rõ về ngành nuôi tôm nước lợ, thực trạng của ngành này tại vùng ĐBCSL thời gian qua, ông Trình Trung Phi Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, Phó Chủ tịch Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam cho rằng: Để phát triển bền vững ngành nuôi tôm thì cần coi trọng công tác chọn nguồn giống tôm bố mẹ thẻ và tôm sú của Việt Nam. Cụ thể, Các chương trình chọn giống là các chương trình mang tính chất dài hạn và nên để các doanh nghiệp lớn tham gia trong chuỗi này triển khai đầu tư và thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự phối hợp chặc chẽ để kiểm tra, giám sát đảm bảo tính minh bạch của chương trình cũng như các sản phẩm chọn giống được tạo ra đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường. Các Viện, Trường chuyên ngành nên đẩy mạnh các ứng dụng nghiên cứu di truyền phân tử vào các đối tượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp về các tính trạng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng của Việt Nam.
Ngoài ra, cần phải chú trọng đến các giải pháp về công nghệ sản xuất giống- chất lượng tôm giống; Các giải pháp thức ăn và các nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghệ nuôi; Công nghệ nuôi… Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp kịp thời đối với ngành hàng nuôi tôm nước lợ. Các hạ tầng về đê điều chống triều cường, nước biển dâng cũng như hệ thống kênh cấp và thoát riêng biệt cho nhu cầu thủy sản ven biển cũng được nghiên cứu, quy hoạch và triển khai đồng bộ.
Chia sẻ về ngành nuôi tôm của tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử từ những dẫn chứng cụ thể về thực trạng những khó khăn của tỉnh trong phát triển ngành nuôi tôm đã nêu đề xuất cụ thể. Theo đó ông Sử cho rằng, cần phát hoàn thiện, phát triển các mô hình hiệu quả từ thực tiễn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các HTX để thực hiện liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu và có chính sách hỗ trợ các HTX…
Ở góc độ của mình, ông Phan Thanh Lộc Quỹ Đầu Tư Vietnam Investments Group (VIG), Công ty Việt Nam Food (VNF) cho rằng cần có sự phối hợp giữa Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, và Nhà đầu tư để đưa những nghiên cứu thử nghiệm gần hơn với nhu cầu thực tiễn, chuyển hóa thành sản phẩm và ứng dụng thương mại trên thị trường. Từ đó góp phần đẩy mạnh giá trị ngành phụ phẩm nói riêng, củng cố chuỗi cung ứng toàn ngành tôm nói chung, hướng đến phát triển toàn diện, bền vững.
Bên cạnh ngành tôm, tại tọa đàm, các nhà khoa học đã nêu ra những định hướng phát triển các chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng ĐBCSL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các nhà khoa học cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Những thuận lợi này nhờ có điều kiện khí hậu nhiệt đới, đất đai bằng phẳng và tương đối màu mỡ (bao gồm cả đất phèn), mạng lưới đường thủy dày đặc, nguồn nước ngọt dồi dào ở vùng thượng và trung tâm đồng bằng, vùng mặn ven biển và vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2020, ĐBSCL sản xuất ra 50% sản lượng gạo của cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây và 65% sản lượng thủy hải sản. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là tại khu vực này tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao; nhiều loại nông sản làm ra nhưng bán được với giá rất thấp.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Một trong những giải pháp có thể thực hiện đó là chuyển đổi cây trồng sang các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng cường hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi này. Hiệu quả kinh tế có thể được nâng cao hơn nữa bằng cách tăng cường chuỗi giá trị trong nông nghiệp thông qua tăng cường đầu tư vào chế biến và vận tải đa phương thức. Đây sẽ là những yếu tố then chốt làm cơ sở cho việc định hướng mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo, và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.