Xây dựng, củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt và FDI
Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, Việt Nam cần chuẩn bị ngay: mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực - số lượng và chất lượng...
Ngày 24/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững", với sự hỗ trợ bởi Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME).
Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số doanh nghiệp (DN) đầu chuỗi cung ứng như Canon Việt Nam, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời và đại diện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam như Công ty VPMS, Công ty JAT, VISIMEX…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù thời gian qua Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước. Tuy nhiên, sự liên kết của các DN Việt Nam còn rời rạc, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn; giữa DN Việt Nam và các DN FDI. Mức độ tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn và FDI khi vào Việt Nam hay khi quyết định dự án thường đã có sẵn chuỗi cung ứng sẵn sàng đi theo hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt Nam là không nhiều.
Thứ hai, do quy mô nhỏ bé của doanh nghiệp Việt Nam cùng sự hạn chế trong trình độ công nghệ quản lý và chất lượng nhân lực, các doanh nghiệp Việt hầu như không có khả năng tích tụ vốn để đầu tư, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Vẫn còn tâm lý băn khoăn, ngần ngại khi đầu tư mà cuối cùng sản phẩm không tham gia được vào chuỗi sẽ không biết bán cho ai…
Trong khi đó, sự liên kết giữa các khu vực DN còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả FDI. Chính vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan toả, gắn kết với các DN Việt Nam, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Luật Hỗ trợ DNNVV với 1 trong 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DNNVV tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
"Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ "ngàn năm có một", nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Theo bà Dương Liên, Phó Giám đốc Dự án LinkSME nhận định, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, Việt Nam cần chuẩn bị ngay những điều kiện như: chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực - số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải thiện thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được, chuyển từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi". Bên cạnh đó, cũng không quên phòng ngừa nguy cơ hàng hóa nước ngoài, hàng hóa Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam nhằm gian lận, lẩn tránh xuất xứ…
Hiện nay, dự án LinkSME do USAID tài trợ có mục tiêu tăng cường khung kết nối kinh doanh giữa DNVVN và DN đầu chuỗi, tăng cường năng lực của DNVVN để tham gia vào chuỗi cung ứng. Ngân sách dự án là 22,1 triệu USD và thực hiện từ năm 2018 tới tháng 9-2023. Trước ảnh hưởng của dịch Covid, mới đây dự án đã được bổ sung 3 - 5 triệu USD cho hỗ trợ DNNVV bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nâng tổng ngân sách của dự án lên 25 triệu USD. Dự án phối hợp thực hiện với các đối tác chính phủ, các tổ chức hỗ trợ DN để hỗ trợ các DNNVV và DN đầu chuỗi trong và ngoài nước, tất cả các lĩnh vực.