Xây dựng dữ liệu mở để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững
Ngày 23/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Tọa đàm bàn tròn đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số.
Điều phối chương trình Dữ liệu sáng tạo, WB bà Alla Morrison cho biết, dữ liệu mở là những dữ liệu được công bố công khai và miễn phí để mọi người đều có thể khai thác và sử dụng mà không bị một hạn chế nào.
Dữ liệu mở bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia như thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ… và các cơ sở dữ liệu địa phương như thông tin về an ninh trật tự, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, cơ sở giáo dục… Hiện nay, có nhiều nguồn dữ liệu mở từ mạng xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhưng nguồn dữ liệu lớn và được sử dụng rộng rãi nhất là dữ liệu từ Chính phủ hoặc các tổ chức được hỗ trợ từ Chính phủ.
Đây được xem là nguồn lực mang tính toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo bà Alla Morrison, dữ liệu mở đang được xem là nguồn lực linh hoạt đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Nó có thể giúp Chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới tìm kiếm các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và đổi mới kinh doanh.
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của Viện Mckinsey toàn cầu cũng chỉ ra dữ liệu mở (bao gồm cả dữ liệu Chính phủ và phi Chính phủ) có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới từ 3 -5 tỷ USD mỗi năm. Các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các cơ sở dữ liệu mở là giáo dục, vận tải, tiêu dùng, điện, dầu, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở của Chính phủ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng dữ liệu mở Chính phủ chính là một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia, giúp Chính phủ hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn.