Định hướng phát triển công nghệ thông tin chứng khoán với Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trải qua 21 năm cùng phát triển với ngành Chứng khoán, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã liên tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong công tác hiện đại hóa hệ thống CNTT.
Trong thập kỷ phát triển rất nhanh của công nghệ mới, CNTT của ngành Tài chính nói chung và ngành Chứng khoán nói riêng đang đứng trước cơ hội và thách thức của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn biến rất nhanh với sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với xã hội, kinh tế, trong đó có TTCK của Việt Nam và thế giới. CMCN 4.0 hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới ngành Tài chính cũng như tới TTCK Việt Nam.
CMCN 4.0 với tác động đối với CNTT ngành Tài chính
CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) và cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene1, skyrmions2…) và công nghệ nano.
Nhận thức được tầm quan trọng của CMCN 4.0, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo sát sao để ngành Tài chính tiếp cận được nhanh nhất với sự phát triển của CNTT trong kỷ nguyên số với hàng loạt công nghệ mới, nhằm tạo sự phát triển mạnh trong việc ứng dụng CNTT ngành Tài chính, bao gồm:
- Tổ chức hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0” với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT của Việt Nam như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT… Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã có những bài tham luận có ý rất thiết thực đối với CNTT ngành Tài chính và được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá cao với những giải pháp có thể áp dụng cho ứng dụng dữ liệu lớn trong tài chính, giải pháp về chuyển đổi số cho cơ quan tài chính công, ứng dụng của dịch vụ điện toán đám mây, giải pháp về công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu trong quản lý rủ ro trong công tác quản lý thuế…
- Để đáp ứng được sự phát triển của công nghệ số trong cuộc CMCN 4.0, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu tư vấn cho Lãnh đạo Bộ về các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối… Ngoài ra, với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) tổng hợp về tài chính là cốt lõi trung tâm của hệ thống thông tin tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã đầu tư dự án CSDL tổng hợp về tài chính được xây dựng trên nền tảng công nghệ của cuộc CMCN 4.0, cụ thể là công nghệ xử lý, phân tích dữ liệu lớn. Dự án có phạm vi triển khai sử dụng trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu sử dụng thông tin số liệu về tài chính của Bộ Tài chính.
Các nghiên cứu đã cho thấy các định hướng ứng dụng CNTT ngành Tài chính được thiết lập theo hướng các nền tảng công nghệ mới có thể ứng dụng bao gồm:
- Công nghệ điện toán đám mây (Cloud): Triển khai kết hợp giữa đám mây riêng và đám mây công cộng theo từng loại bài toán để hình thành đám mây lai (hybrid). Đám mây riêng phục vụ các bài toán mà thông tin số liệu cần được duy trì trong ngành. Đám mây công cộng ứng dụng cho các bài toán có độ “co dãn lớn” về nhu cầu sử dụng tài nguyên. Trước mắt, triển khai theo hướng “hạ tầng là dịch vụ”, từng bước áp dụng “nền tảng là dịch vụ” và “ứng dụng là dịch vụ”.
- Phân tích dữ liệu lớn: Triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn, phân tích đa chiều trên CSDL quốc gia về tài chính. Chuyển đổi mô hình cung cấp dữ liệu mở, hình thành kênh cung cấp dữ liệu mở về dữ liệu tài chính công, góp phần xây dựng Bộ Tài chính số.
- Công nghệ di động: Áp dụng cho các kênh giao dịch tương tác nghiệp vụ của người dân, doanh nghiệp với các nghiệp vụ, dịch vụ của ngành Tài chính và các dịch vụ tra cứu, cung cấp thông tin của ngành. Công nghệ máy trạm ảo hóa VDI sẽ cung cấp giải pháp làm việc linh động mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện.
- AI và điện toán nhận thức (Cognitive computing): Áp dụng cho các nghiệp vụ như quản lý và phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ tài chính hoặc các nghiệp vụ giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hình thành được CSDL hỏi đáp.
- Công nghệ IoT: Ứng dụng các sản phẩm IoT trong việc quản lý hàng hóa thông quan, quản lý bảo quản hàng dự trữ quốc gia, quan trắc môi trường trong quản lý thuế…
CNTT chứng khoán với định hướng CMCN 4.0 của ngành Tài chính
Trước các định hướng ứng dụng CNTT ngành Tài chính được thiết lập theo hướng các nền tảng công nghệ mới, việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp UBCKNN thực hiện tốt công tác quản lý và giám sát TTCK Việt Nam.
Chính vì vậy, với những thách thức và cơ hội của CMCN 4.0, CNTT ngành Chứng khoán không thể đứng ngoài sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 mà cần phải có những nghiên cứu để ứng dụng CNTT tạo những bước đột phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng kết nối số phục vụ công tác quản lý TTCK của UBCKNN và tạo điều kiện cho nhà đầu tư và các thành viên tham gia thị trường tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
Để có thể tiếp cận CMCN 4.0 và tìm ra hướng đi cho việc ứng dụng các công nghệ mới theo định hướng của ngành Tài chính, UBCKNN cần tổ chức một nhóm nghiên cứu các tác động và ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với chứng khoán và TTCK nói chung và lĩnh vực CNTT chứng khoán nói riêng.
Các nghiên cứu được tổ chức dưới hình thức nghiên cứu khoa học và đây sẽ là nền tảng cho việc xây dựng một đề án tổng thể cho việc phát triển CNTT chứng khoán đến năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 làm cơ sở cho việc phát triển CNTT chứng khoán. Các nghiên cứu cần định hướng tập trung vào một số nội dung ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 bao gồm:
- Số hóa và xây dựng CSDL lớn làm nền tảng để phát triển CMCN 4.0. Điều kiện để có thể ứng dụng các công nghệ mới tạo sự đột phá đối với lĩnh vực Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là cần phải xây dựng một nền tảng CSDL dựa trên việc số hóa và sử dụng dữ liệu số hóa.
Hiện nay, UBCKNN đã xây dựng các hệ thống CSDL phục vụ công tác quản lý và giám sát các thành viên thị trường, nhà đầu tư bao gồm các hệ thống (Hệ thống giám sát giao dịch - MSS, Hệ thống công bố thông tin điện tử - IDS, Hệ thống quản lý công ty chứng khoán - SCMS, Hệ thống quản lý công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư - FMS, Hệ thống CSDL quản lý người hành nghề chứng khoán, Hệ thống CSDL quản lý nhà đầu tư nước ngoài…), do đó cần phải thực hiện số hóa dữ liệu và xây dựng CSDL tổng hợp về chứng khoán với kiến trúc của một kho dữ liệu lớn bao gồm các vùng dữ liệu (dữ liệu trung chuyển, dữ liệu thô, dữ liệu tổng hợp, dữ liệu phân tích, dữ liệu chủ đề, dữ liệu đa chiều…) để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn nhằm mục đích để thực hiện báo cáo phân tích tổng hợp, lập dự báo và hỗ trợ ra quyết định phục vụ cho công tác quản lý và giám sát TTCK.
- Thực hiện ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng với công nghệ Cloud được cung cấp như một dịch vụ qua Internet, dưới hình thức cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) hoặc nền tảng như một dịch vụ (PaaS). Trong tương lai, Cloud sẽ rất hữu ích khi nó vươn cả tới việc sử dụng những tài nguyên dư thừa trong các máy tính cá nhân.
Tại UBCKNN, đối với các ứng dụng phục vụ các đối tượng bên ngoài là các thành viên thị trường và nhà đầu tư (các hệ thống IDS, MSS, SCMS, FMS…) có quy mô rộng và với số lượng lớn các thành viên tham gia cần phải ứng dụng công nghệ Cloud để cắt giảm chi phí mua bán, cài đặt, bảo trì tài nguyên, sử dụng các tài nguyên tính toán động (Dynamic computing resources) và tăng khả năng sử dụng tài nguyên tính toán.
- Ứng dụng thực tế của AI có thể giúp nâng cao hiệu suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm việc của con người, đem đến cơ hội tăng trưởng kinh tế nói chung cũng như phát triển thị trường tài chính và TTCK nói riêng. Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực chứng khoán cần thực hiện theo lộ trình áp dụng từ những nghiệp vụ đơn giản đến phức tạp, trước tiên có thể xây dựng ứng dụng thông minh trên cổng thông tin điện tử (ChatAuto) với các chuyên mục tự động trả lời, hỏi đáp các nghiệp vụ cũng như các thủ tục hành chính về chứng khoán và TTCK cho các thành viên thị trường và nhà đầu tư.
Tiếp theo sẽ nghiên cứu xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm có AI hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ giám sát để phát hiện các giao dịch bất thường, làm giá, thao túng thị trường..., hỗ trợ công tác giám sát việc thực hiện công bố thông tin của các công ty đại chúng trên TTCK. Hiện nay, với sự phát triển của các công nghệ mới, máy đã có thể tự học để nâng cao năng lực hành động, và đây là lĩnh vực sôi động nhất của AI trong hai thập kỷ qua.
Điều này đã cho thấy sự phát triển của AI đang có xu hướng tiệm cận gần với trí tuệ thông minh của con người. Vì vậy, trong tương lai gần có thể đưa máy và người máy có AI thay thế con người trong công tác quản lý, giám sát, phân tích TTCK hoặc trong lĩnh vực tư vấn hỗ trợ nhà đầu tư mua bán trên TTCK…
Để có thể ứng dụng và phát triển các công nghệ mới của CMCN 4.0 đối với CNTT chứng khoán, một vấn đề quan trọng cần được quan tâm, đó là công tác bảo mật phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, đối với CNTT chứng khoán, cần phải thực hiện các chính sách về an toàn bảo mật bao gồm: i) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an toàn thông tin tuân thủ các quy định an toàn thông tin của Việt Nam và tương thích với bộ tiêu chuẩn quốc tế; ii) Triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin nhiều lớp trên cơ sở phù hợp với nền tảng Cloud và di dộng thông minh; iii) Ngoài ra, cũng cần kiện toàn và nâng cao năng lực của các cán bộ thuộc bộ phận chuyên trách về an toàn an ninh thông tin.