Xây dựng giải pháp tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn
Bài nghiên cứu làm rõ nội hàm của khái niệm tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn, tiếp đến làm rõ ma trận giải pháp theo mô hình TOWS từ đó xác định các thách thức, cơ hội, điểm yếu, điểm mạnh khi triển khai tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn, trên cơ sở đó đề xuất 04 nhóm giải pháp chính để triển khai tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn một cách hiệu quả.
Quan điểm về tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn
Tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu. Chiến lược tài chính toàn diện cũng nhằm phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn, bền vững nhu cầu tài chính cho các đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo Quyết định này, tài chính toàn diện là “Việc mọi người và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và phần vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”. Trong đó, các sản phẩm dịch vụ tài chính được cung ứng bao gồm: Chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm.
Tiêu chí xác định tài chính toàn diện
Theo Ngân hàng Thế giới, ở bình diện vĩ mô, Tài chính toàn diện được xác định và đánh giá dựa trên theo 03 tiêu chí sau: (i) Khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính của các đối tượng thụ hưởng; (ii) Tần suất sử dụng dịch vụ tài chính; (iii) Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ tài chính.
Góc độ của bài nghiên cứu này, tác giả đề xuất ba tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả của tài chính toàn diện bao gồm:
- Việc triển khai các chương trình tài chính toàn diện có giúp các đối tượng thụ hưởng đạt được mục tiêu của họ hay không?
- Đối tượng thụ hưởng hoặc được hỗ trợ có đạt được mục tiêu một cách dễ dàng hay không?
- Những cảm xúc tích cực đọng lại trong tâm trí của người đi vay sau khi giao dịch với các tổ chức tài chính, tín dụng: cảm xúc đó là trân trọng, tin tưởng, biết ơn… khi các đơn vị này đáp ứng các nhu cầu ngoài sự mong đợi của họ…
Dựa trên cách tiếp cận này, tác giả đề xuất: “Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính đầy đủ đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu một cách thuận lợi nhất của đối tượng thụ hưởng và mang lại cảm xúc tích cực dành cho họ”.
Tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn
Trên cơ sở khái niệm về tài chính toàn diện, tác giả cho rằng, tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn là việc cung cấp dịch vụ tài chính đầy đủ đến đúng đối tượng thụ hưởng tại khu vực nông thôn theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế tại khu vực nông thôn một cách thuận lợi nhất và mang lại cảm xúc tích cực dành cho họ.
Các dịch vụ tài chính cho khu vực nông thôn cần đảm bảo các dịch vụ sau: Chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, nhưng cần được thiết kế một cách chuyên biệt dành cho các thành phần kinh tế thuộc khu vực nông thôn bao gồm: nông dân, hộ gia đình, hợp tác xã, nông lâm trường…
Thực trạng khu vực nông thôn Việt Nam trong triển khai tài chính toàn diện
Để đánh giá thực trạng trong triển khai tài chính toàn diện tại khu vực nông thôn, tác giả phân tích 04 yếu tố: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.
Điểm mạnh
- Dân số đông: Theo công bố của Tổng cục Thống kê trong báo cáo dân số năm 2022, dân số nước ta tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn - chiếm 65% dân số cả nước tương đương với gần 65 triệu người.
- Lực lượng lao động: Ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70% lực lượng lao động của cả nước tương đương với hơn 39 triệu người. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai dịch vụ tài chính toàn diện gắn với những yếu tố chuyên biệt cho khu vực này.
-Vị trí địa lý: Diện tích đất nông nghiệp trải dài khắp cả nước, với diện tích là 27.289.454 ha chiếm 82.3 % diện tích đất tự nhiên của cả nước (theo công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), đây là cứ liệu quan trọng để đánh giá và đưa ra chính sách tài chính toàn diện dành cho khu vực này.
Điểm yếu
- Trình độ dân trí có sự khác biệt ở khu vực nông thôn và thành thị, trong đó trình độ dân trí thành thị cao hơn so với nông thôn thể hiện qua số liệu tại các cấp học sau: Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101,0%). Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn; cụ thể: ở cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 3,4 điểm phần trăm; mức chênh lệch này ở cấp THPT là 13,0 điểm phần trăm.
- Trình độ lực lượng lao động chưa cao: Tuy chiếm tỷ lệ cao trong tổng lực lượng lao động xã hội, lực lượng lao động nông thôn còn thấp về chất lượng thể hiện cụ thể như sau: Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp (80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn), kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc...
- Có sự chuyển dịch không đồng đều về cơ cấu lao động nông nghiệp – phi nông nghiệp giữa các vùng của cả nước trong 10 năm qua: Tốc độ thay đổi cơ cấu lao động theo hình thức này nhanh nhất ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Các vùng có tốc độ chuyển dịch chậm hoặc thậm chí có những vùng hoặc tỉnh có sự “chuyển dịch ngược” với tỷ lệ lao động nông nghiệp tăng lên như Tây Nguyên.
- Còn nhiều rào cản, hạn chế trong dịch chuyển lao động: Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh... trình độ học vấn của lao động di cư thấp và phần đông chưa qua đào tạo nghề. Hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất – nơi sử dụng đến 30% lao động di cư không có dịch vụ hạ tầng xã hội (ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm xã hội…), lao động di cư ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng trên dẫn tới hậu quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thách thức
Mạng lưới của hệ thống ngân hàng chưa phủ hết vùng sâu, vùng xa, hiện nay toàn hệ thống hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam có khoảng hơn 15.000 chi nhánh, phòng giao dịch trải khắp cả nước (theo thống kê sơ bộ của tác giả).
Tuy nhiên, hệ thống mạng lưới rộng chỉ tập trung vào một số ngân hàng như Agribank, BIDV, LienVietPostBank, Vietinbank, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân ở vùng sâu, vùng xa, cũng như khả năng lựa chọn các dịch vụ của các đối tượng này.
Sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng dành cho đối tượng khu vực nông thôn còn ít và chưa đa dạng.
Hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động tài chính tại khu vực nông thôn còn chưa đầy đủ bao phủ hết các nhóm đối tượng.
Cơ hội
CMCN 4.0 đã diễn ra và CMCN 5.0 bắt đầu diễn ra mạnh mẽ khi con người, vạn vật, các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh nhờ vào các yếu tố kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa (Robot), IoT (Internet vạn vật), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho khu vực nông thôn trong việc tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Các cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Từ đó, đòi hỏi các tổ chức tài chính, tín dụng phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, kỹ thuật số để có thể tích hợp với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ nhằm tiếp cận khách hàng ở các vùng sâu, vùng xa và làm hài lòng khách hàng.
Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng sẽ là xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định cho các khách hàng ở khu vực nông thôn.
Giải pháp
Để xác định các giải pháp tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn, tác giải sử dụng ma trận Tows là biến thể của mô hình Swot do giáo sư người Mỹ Heinz Weirich của Trường Đại học Harvard, trong đó đưa ra 04 nhóm giải pháp dựa trên sự kết hợp giữa các yếu tố: S (điểm mạnh) – T (nguy cơ); T (nguy cơ) -W (điểm yếu); S (điểm mạnh) – 0 (cơ hội) và O (cơ hội) – W (điểm yếu) để hình thành nên các cặp giải pháp; cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp phòng thủ: Tận dụng thế mạnh là vị trí địa lý trải dài bao phủ khắp cả nước để hạn chế các thách thức bên ngoài là mạng lưới của hệ thống ngân hàng chưa phủ hết vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, tiếp tục tăng cường, mở rộng xây dựng hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động trải dài trên khắp cả nước, tập trung vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm với mục tiêu mỗi xã có ít nhất một điểm giao dịch.
Trong đó, tăng cường thiết lập mạng lưới của các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cùng những loại hình đặc biệt khác với mục tiêu là một thôn, bản có ít nhất một tổ chức với mục tiêu là cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến tất cả các đối tượng theo cách thức phù hợp, thông qua các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại.
Thứ hai, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp phòng thủ: giảm điểm yếu là rào cản trong dịch chuyển lao động còn lớn để né thách thức bên ngoài là hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động tài chính tại khu vực nông thôn còn chưa đầy đủ bao phủ hết các nhóm đối tượng…
Theo đó, rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng lao động tại khu vực nông thôn có điều kiện các sử dụng dịch vụ ngân hàng, tài chính một cách dễ dàng thuận lợi…
Tăng cường triển khai xây dựng các khu công nghiệp tại các khu vực nông thôn cùng với đó là cơ chế trả lương qua tài khoản và các dịch vụ đi kèm là điều kiện để triển khai các phương án tài chính toàn diện hiệu quả tại khu vực nông thôn.
Thứ ba, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp tấn công: chống lại điểm yếu là trình độ dân trí có sự khác biệt ở khu vực nông thôn và thành thị thông qua việc khai thác cơ hội là Cách mạng công nghiệp 5.0.
Theo đó, nghiên cứu đặc điểm, hành vi khách hàng khu vực nông thôn từ đó tiến hành phân loại, rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy việc phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: tín dụng, thanh toán, hoạt động bảo lãnh, cung cấp dịch vụ tài chính… một cách chuyên biệt theo từng nhóm đối tượng để đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng, mang lại cảm xúc tích cực cho các đối tượng thụ hưởng. Một số sản phẩm có thể kể đến như: tiết kiệm trả góp theo món, cho vay theo mùa vụ, ứng tiền trước mùa vụ…
Các sản phẩm được ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt để có thể tiếp cận đến toàn bộ người dùng tại khu vực nông thôn.
Các ngân hàng kết hợp với một số nhà mạng triển khai sản phẩm Mobile Money nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng để phù hợp với nhu cầu của người dân khu vực nông thôn.
Thứ tư, nhóm giải pháp tấn công: Tận dụng thế mạnh là lực lượng dân số đông để đón bắt cơ hội bên ngoài là cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 trong triển khai các giải pháp Tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn.
Theo đó, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng về di động và internet, tạo nền tảng cho sự phát triển số hóa dịch vụ tài chính của các ngân hàng, các công ty fintech, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô tại nông thôn. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Cùng với đó thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực tài chính vi mô tại khu vực nông thôn.
Ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tài chính của người dân khu vực nông thôn thông qua tivi, đài, điện thoại, hệ thống loa tại thôn xóm. Việc giáo dục tài chính sẽ giúp nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính của người dân ở khu vực nông thôn.
Từ đó, giúp người dân hiểu được vai trò, lợi ích của các sản phẩm tài chính trong việc cải thiện cuộc sống của các cá nhân, cũng như hộ gia đình, điều này sẽ khuyến khích họ sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Kết luận
Khi nền kinh tế còn đang có nhiều yếu tố khó đoán định, do ảnh hưởng của lạm pháp toàn cầu, bong bóng tài chính do xung đột vũ trang Nga – Ukaraine… thì những khu vực yếu và đối tượng yếu thế của nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng nhất. Hy vọng với bài viết trên, sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có những giải pháp để xây dựng được những chính sách Tài chính toàn diện cho khu vực nông thôn thật bền vững và hiệu quả.