Xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội bao trùm, bền vững

Hà Linh

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai và đúng đối tượng. Để đảm bảo an sinh bền vững, bao trùm, công tác truyền thông về BHXH cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tạo dựng và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống chính sách BHXH.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tạo dựng và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống chính sách BHXH.

Kịp thời triển khai hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng là rất quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng - chính sách lần đầu thực hiện và chưa từng có tiền lệ; song qua triển khai đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của dư luận xã hội, mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Theo đó, thủ tục nhận hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, người lao động và chủ sở hữu lao động nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và chủ yếu nhận qua tài khoản và trên cơ sở dữ liệu đã có.

Chính sách này đã góp phần hỗ trợ chủ sử dụng lao động và người lao động khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra; góp phần đảm bảo an sinh, phát huy “tinh thần tương thân, tương ái”, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Liên quan tới vấn đề phát triển BHXH khi xuất hiện tình trạng số người hưởng BHXH một lần có chiều gia tăng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, một bộ phận người lao động vẫn đang lựa chọn hưởng BHXH một lần và có xu hướng tăng cao.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh, dẫn đến người lao động không có việc làm nên buộc phải tìm đến các nguồn tài chính có thể huy động được để đảm bảo cuộc sống trước mắt và BHXH một lần là một lựa chọn.

Để giải quyết tình trạng trên, Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Nhà nước tiếp tục triển khai các gói chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trước mắt. Cùng với đó cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động.

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cùng với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chính sách, bởi chỉ khi người lao động nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia BHXH, thì mới đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tạo dựng và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống chính sách BHXH.

Nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH năm 2024

Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 11/2021 đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đồng thời, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động để tiếp nhận ý kiến đa chiều, nhất là các vấn đề nhạy cảm; chắt lọc kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, hạn chế việc trốn đóng BHXH cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Để việc sửa đổi Luật BHXH đảm bảo yêu cầu về nội dung và tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất những nội dung sửa đổi; có báo cáo đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với từng phương án chính sách; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là quan tâm đến ý kiến của những người lao động, chủ sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua. Đây là tiền đề để mọi người dân hiểu rõ về mục tiêu chính sách, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và hướng tới một hệ thống chính sách BHXH nói riêng, chính sách an sinh xã hội bao trùm, bền vững.