Xây dựng nền tảng dịch vụ tài chính công điện tử
TCTC Online - Là chủ đề cuộc Hội thảo triển lãm thường niên "Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài chính - Vietnam ICT in Finance 2009" năm nay do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) vào ngày 23-24/9/2009 tại Hà Nội.
Vietnam ICT in Finance tổ chức hàng năm và đã trở thành một diễn đàn CNTT cao cấp lớn nhất trong lĩnh vực tài chính. Đây là lần thứ 6 Hội thảo triển lãm được tổ chức nhằm tạo nơi gặp gỡ giữa cung và cầu trong ứng dụng CNTT ngành Tài chính.
Hội thảo triển lãm năm nay, đã thực sự trở thành diễn đàn trao đổi về yêu cầu ứng dụng CNTT trong giai đoạn hiện nay của các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính và là nơi giới thiệu, chia sẻ tiếp cận các giải pháp CNTT mới nhất từ các Tập đoàn công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy quá trình tin học hóa hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành Tài chính.
Trong khuôn khổ hai ngày, Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề chính như cở sở dữ liệu tài chính quốc gia và giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ thông minh; an toàn bảo mật và xác thực thông tin cho các giao dịch tài chính công; hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch tài chính công; tối ưu hoá hạ tầng CNTT tài chính định hướng cung cấp dịch vụ.
Tại Hội thảo ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục Tin học&Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã nêu rõ những vai trò quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển ứng dụng CNTT ngành tài chính hướng tới nền dịch vụ tài chính công điện tử, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, đã xây dựng được hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành tài chính vận hành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính là một trong số không nhiều Bộ, ngành trong cả nước đạt được những “con số vàng” như 100% đơn vị có mạng cục bộ; 100% máy tính được kết nối mạng cục bộ; 95% đơn vị được kết nối Internet bằng băng thông rộng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã chú trọng tới việc đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng CNTT của các cán bộ, công chức. Theo thống kê mới nhất, 92% cán bộ, công chức của ngành tài chính có máy tính để phục vụ công việc, trong đó, 100% cán bộ nghiệp vụ có máy tính.
Ông Mai cũng cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính đã triển khai 31 dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, trong số đó, hầu hết mới dừng ở dịch vụ mức 1 - cung cấp biểu mẫu, bảng biểu trên mạng Internet. Để tăng cường tính an toàn bảo mật cho các giao dịch tài chính điện tử, Bộ Tài chính đã ký thoả thuận với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số của VNPT trong các dịch vụ hành chính công điện tử.
Mặt khác, tiến tới dịch vụ công điện tử tích hợp (toàn ngành tài chính và các cơ quan hữu quan), Bộ Tài chính đã định hình một lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, nâng các dịch vụ lên mức 2 – cung cấp mẫu biểu khai báo trên mạng, thực hiện trao đổi thông tin điện tử hai chiều (nâng cấp ứng dụng); Giai đoạn 2, nâng các dịch vụ cốt lõi của từng cơ quan trong ngành lên mức 3 – thực hiện giao dịch tài chính và pháp lý điện tử (tích hợp ứng dụng); Giai đoạn 3, nâng các dịch vụ cốt lõi của từng cơ quan trong ngành lên mức 4 – thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ.
Bước tiếp nữa, khi các dịch vụ tài chính công được tích hợp với dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ điện tử khác trong xã hội, việc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Khi đó, các dịch vụ công như khai thuế điện tử; khai hải quan điện tử; thu ngân sách điện tử; xây dựng và phê duyệt ngân sách điện tử… sẽ trở nên gần gũi, thân thiết, thậm chí không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, bên lề Hội thảo, các nhà cung cấp giải pháp CNTT hàng đầu sẽ trưng bày triển lãm các sản phẩm, dịch vụ mới nhất cho ngành Tài chính. Đây chính là nơi mà các đơn vị hoạt động trong ngành Tài chính có thể tìm kiếm những giải pháp CNTT phù hợp nhất cho nhu cầu của DN mình.