Đề xuất ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị khoan cắt dự trữ quốc gia

Hà Phương

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị khoan cắt dự trữ quốc gia (DTQG).

Bên cạnh chú trọng xây dựng, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các mặt hàng vật tư, thiết bị, Tổng cục DTNN đã tổ chức xuất cấp kịp thời gạo DTQG theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh chú trọng xây dựng, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các mặt hàng vật tư, thiết bị, Tổng cục DTNN đã tổ chức xuất cấp kịp thời gạo DTQG theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Theo dự thảo Thông tư, mặt hàng thiết bị khoan cắt được quy định cụ thể tại Phụ lục danh mục chi tiết hàng DTQG phân công cơ quan quản lý hàng DTQG ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG.

Ngày 19/8/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2019/QĐ-BTC về tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2014/BTC về thiết bị khoan cắt DTQG.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thực hiện TCCS01:2014/BTC về thiết bị khoan cắt, đến nay chưa phù hợp với thực tiễn. Đó là, thiết bị cắt mới quy định với thép tròn (không nhỏ 34mm) mà chưa có quy định cụ thể đối với vật liệu cắt; Quy định một số chỉ tiêu kỹ thuật chưa cụ thể (í dụ khả năng mở của thiết bị cắt); Thiết bị khoan (đập) bằng điện không phù hợp khi triển khai cứu hộ khu vực không có nguồn điện.

Để khắc phục những hạn chế trên, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị khoan cắt DTQG.

Việc xây dựng Quy chuẩn thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 4/12/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG.

Liên quan tới giao nhận và bảo quản, dự thảo Thông tư nêu rõ, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý thiết bị khoan cắt có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình nhập, xuất và bảo quản gồm: Giá kê dùng để kê, xếp thiết bị khoan cắt; vật tư phục vụ nhập, xuất hàng gồm: Dầu nhớ, mỡ bảo quản, nhiên liệu, giẻ lau, chổi, xà phòng, vải bạt Polypropylen (PP), găng tay, khẩu trang, thuốc xử lý côn trùng và sinh vật có hại, máy hút bụi; Vật tư liên quan đến điện nước gồm: Dây điện, bóng đèn thắp sáng trong và ngoài kho, điện dùng cho bảo quản thiết bị; Nước phục vụ nhập, xuất, bảo quản và phòng cháy chữa cháy; Dụng cụ thiết bị phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy; Các loại dụng cụ, trang thiết bị khác có liên quan đến công tác nhập, xuất và bảo quản thiết bị khoan cắt.

Bên cạnh các quy định trên, dự thảo Thông tư quy định rõ quy trình kiểm tra trước khi xuất kho. Theo đó, trước khi xuất kho cần chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị cần thiết và các giấy tờ, sổ sách chứng từ có liên quan đến việc xuất thiết bị khoan cắt; kiểm tra ngoại quan; kiểm tra vận hành; hoàn thiện chứng từ, sổ bảo quản, thẻ lô hàng; quy hoạch, kê xếp hoàn chỉnh cho các thiết bị còn lại để tiếp tục bảo quản.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp thiết bị khoan cắt nhập kho DTQG có trách nhiệm cung cấp thiết bị khoan cắt có chất lượng phù hợp với quy định tại Phần II của Quy chuẩn này.

Thủ trưởng đơn vị DTQG có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giao nhận và bảo quản thiết bị khoan cắt theo đúng quy định tại Quy chuẩn này.

Đánh giá hiệu quả dự kiến của việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị khoan cắt DTQG, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, Quy chuẩn được ban hành là căn cứ để Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý chất lượng thiết bị khoan cắt DTQG.