Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Qua hơn 15 năm thực hiện các quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là đạo luật quy định đầy đủ và toàn diện nhất về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm các chế định, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp.
Nhằm thực thi hiệu quả Luật, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đã ban hành 20 thông tư hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, còn có 196 văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực này tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo nên khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ở nước ta. Cụ thể, góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng nền móng ý thức tôn trọng pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ để tổ chức thực hiện việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành.
Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước ta thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng.
Mặt khác, các cơ chế, chính sách này cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, qua đó nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Báo cáo tổng kết đánh giá kết quả đạt được sau hơn 15 năm thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã giúp quản lý chặt chẽ các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành.
Các quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần đưa ra các biện pháp quản lý thống nhất đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh, môi trường cho người sử dụng. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia giúp họ có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thông qua đó, ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và ổn định góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, với gần 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khó tính một cách thuận lợi, mà không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật. Nhờ có các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà người tiêu dùng ngày nay được bảo vệ quyền lợi hợp pháp thông qua việc được mua các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, hiện nay thế giới không ngừng phát triển theo đó là các yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như năng suất là điều dễ hiểu. Chính vì thế, hệ thống các tiêu chuẩn, kỹ thuật cũng phải có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển đó.