Xây dựng quy định về quản trị công ty hướng đến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp
Chất lượng quản trị công ty (QTCT) của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK).
QTCT tốt sẽ thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông tin của các doanh nghiệp trên TTCK, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cơ sở trên TTCK. Việc công khai, minh bạch trên TTCK thể hiện qua chế độ công bố thông tin (CBTT) và chất lượng QTCT của các doanh nghiệp tham gia TTCK. Trên cơ sở các quy định do các cơ quan quản lý ban hành, việc doanh nghiệp lựa chọn mô hình QTCT và vận hành hoạt động QTCT phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc định hình chất lượng QTCT.
Trên thế giới, mô hình xây dựng quy định QTCT tại các quốc gia được phân thành 3 loại chủ yếu: bắt buộc (Binding); tuân thủ hoặc giải trình (Comply or explain); tự nguyện (Voluntary). Theo đó, với mô hình bắt buộc, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò xây dựng các quy định QTCT và bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. Doanh nghiệp phải công khai việc tuân thủ và cách thức tuân thủ, cơ quan quản lý sẽ thực thi, giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp.
Với mô hình tuân thủ hoặc giải trình, các doanh nghiệp phải đưa ra tuyên bố về việc tuân thủ Bộ quy tắc về QTCT (Bộ quy tắc này gắn với Luật Chứng khoán hoặc Luật Doanh nghiệp và phần lớn các quy định tại Bộ quy tắc đều mang tính tuân thủ hoặc giải thích). Với mô hình tự nguyện, doanh nghiệp phải tuyên bố về việc áp dụng các quy định theo thông lệ tốt về QTCT nhưng không gắn với bất kỳ quy định bắt buộc tuân thủ nào.
Theo thống kê tại các quốc gia có TTCK phát triển, Luật Doanh nghiệp (hoặc Luật Công ty) chỉ đưa ra các quy định về QTCT mang tính nguyên tắc hoặc các quy định QTCT chỉ đảm bảo việc tuân thủ tối thiểu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK (Ủy ban Chứng khoán) hoặc các Sở Giao dịch Chứng khoán xây dựng một bộ nguyên tắc về QTCT có tính chất định hướng thực hiện cho các doanh nghiệp.
Theo Cơ sở Dữ liệu Bộ Quy tắc QTCT của Ngân hàng Thế giới, hiện có 65/113 quốc gia xây dựng bộ nguyên tắc theo mô hình tuân thủ hoặc giải trình. Có thể thấy việc áp dụng QTCT tại các quốc gia đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong khi nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng QTCT quốc gia. Do vậy, để đảm bảo nâng cao chất lượng QTCT, từng doanh nghiệp phải nhận thức và áp dụng mô hình QTCT phù hợp với thực trạng doanh nghiệp và thực tiễn cơ sở QTCT của quốc gia.
Đối với Việt Nam, kể từ khi TTCK Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2000, Chính phủ đã nhận thức rõ vai trò của QTCT trong việc nâng cao tính minh bạch đối với môi trường đầu tư cũng như đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại thời điểm ban đầu, việc xây dựng khung pháp lý về QTCT cũng phải gắn với thực trạng chung của doanh nghiệp với nền tảng nhận thức về QTCT của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư còn hạn chế. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết (CTNY) theo Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP ngày 19/11/2002 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành.
Văn bản này là cơ sở đầu tiên để định hướng doanh nghiệp trên TTCK nhận thức về QTCT và xây dựng, áp dụng mô hình QTCT theo thông lệ tốt phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp. Đây cũng là văn bản có tính pháp lý đầu tiên trong việc thúc đẩy áp dụng QTCT tại Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường kinh tế Việt Nam công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếp theo đó, Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010 được ban hành bao gồm các quy định nguyên tắc về QTCT đối với công ty đại chúng (CTĐC) và giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về vấn đề này. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế QTCT áp dụng đối với CTNY và Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các CTNY, sau đó là Thông tư số 121/2012/TT-BTC (Thông tư 121) ngày 26/7/2012 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với CTĐC.
Thông tư 121 là hệ thống các quy định hướng dẫn đảm bảo việc triển khai áp dụng QTCT đảm bảo phù hợp với quy định tối thiểu về QTCT tại Luật Doanh nghiệp, nguyên tắc QTCT tại Luật Chứng khoán và phù hợp với thực trạng QTCT của doanh nghiệp.
Gần đây nhất, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP (Nghị định 71) ngày 06/6/2017 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với CTĐC và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 95/2017/TT-BTC hướng dẫn về Điều lệ mẫu và mẫu quy chế nội bộ về QTCT. Các văn bản này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tính công khai minh bạch, chất lượng QTCT tại các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và CTĐC. Đặc biệt Nghị định 71 có tính đặc thù khi được xây dựng theo hướng bao gồm 02 nhóm nội dung: (i) nhóm mang tính quy định bắt buộc phải thực hiện; và (ii) nhóm mang tính nguyên tắc định hướng áp dụng QTCT theo thông lệ quốc tế.
Điều này thể hiện quan điểm của cơ quan quản lý trong xây dựng khung pháp lý về QTCT phù hợp với xu hướng chung của quốc tế là cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò định hướng, hướng dẫn hoạt động QTCT của doanh nghiệp (đưa ra các quy định cơ bản về QTCT tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn mang tính định hướng theo thông lệ tốt), còn doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ động trong việc nâng cao chất lượng QTCT thông qua việc áp dụng QTCT phù hợp với thông lệ và thực trạng doanh nghiệp.
Một thay đổi quan trọng tại Luật Doanh nghiệp 2014 thể hiện rõ quan điểm tăng cường vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong QTCT thông qua quy định về việc lựa chọn mô hình QTCT. Điều 134 Luật Doanh nghiệp quy định rõ công ty cổ phần (CTCP) có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây: Mô hình thứ nhất bao gồm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (TGĐ). Trường hợp CTCP có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có BKS. Mô hình thứ hai bao gồm: ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc hoặc TGĐ.
Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. Như vậy, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc xây dựng mô hình QTCT tại CTCP. Doanh nghiệp phải tự đánh giá thực trạng, nhu cầu doanh nghiệp để lựa chọn một mô hình phù hợp nhất, từ đó để vận hành QTCT một cách hiệu quả tối đa. Với việc quy định hai mô hình QTCT tại Luật Doanh nghiệp, những công ty đang vận hành tốt mô hình truyền thống (mô hình có BKS) có thể tiếp tục duy trì.
Trong khi đó, những doanh nghiệp muốn thay đổi để phù hợp với thực trạng hoạt động có thể lựa chọn mô hình không có BKS. Theo đó, mô hình này đòi hỏi công ty phải có thành viên độc lập HĐQT và Ban kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT, đây là những đặc điểm phổ biến của mô hình CTCP tại các nước trên thế giới. Như vậy, Luật Doanh nghiệp đã cho phép doanh nghiệp là CTCP được lựa chọn mô hình QTCT phù hợp, theo đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và lựa chọn chuyển đổi mô hình quản trị phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tiếp cận chuẩn mực về QTCT theo thông lệ quốc tế.
Đối với Nghị định 71, quan điểm trao sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc xây dựng phương thức QTCT phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp thể hiện ở 02 điểm cơ bản sau.
Thứ nhất, Nghị định được xây dựng trên cơ sở Bộ 06 nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm: (1) Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ QTCT hiệu quả; (2) Quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; (3) Nhà đầu tư có tổ chức, TTCK và các tổ chức trung gian; (4) Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; (5) CBTT và tính minh bạch; (6) Trách nhiệm của HĐQT.
Bộ 06 nguyên tắc này hiện nay được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để xây dựng hệ thống quy định, nguyên tắc về QTCT và tạo cơ sở để các doanh nghiệp chủ động xây dựng mô hình QTCT phù hợp với thực trạng doanh nghiệp. Thứ hai, Nghị định có tính đặc thù bao gồm 02 nhóm nội dung chính, nhóm nội dung mang tính quy định bắt buộc phải thực hiện và nhóm nội dung mang tính nguyên tắc.
Tại Việt Nam, việc xây dựng một văn bản pháp quy chỉ bao gồm các quy định tuân thủ hoặc chỉ xây dựng một bộ nguyên tắc QTCT mang tính định hướng cho các doanh nghiệp sẽ khó khả thi trong việc nâng cao chất lượng QTCT tại doanh nghiệp bởi nền tảng QTCT của các doanh nghiệp Việt Nam, các cá nhân, tổ chức liên quan trên thị trường còn thấp.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng văn bản về QTCT bao gồm các quy định bắt buộc và các nội dung nguyên tắc, trong đó: quy định bắt buộc nhằm đảm bảo các CTĐC phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về QTCT; quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo ra cơ sở để các doanh nghiệp dựa trên điều kiện thực tiễn của mình có thể tiếp cận, áp dụng những thông lệ tốt nhất về QTCT theo thông lệ quốc tế.
Có thể nói sự chủ động của từng doanh nghiệp là yếu tố quyết định để đảm bảo chất lượng QTCT của doanh nghiệp Việt Nam, tiệm cận dần tới thông lệ tốt về QTCT. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chủ động của doanh nghiệp, theo thông lệ quốc tế, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định cơ bản về QTCT tại các Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng một Bộ Quy tắc về QTCT dành cho các doanh nghiệp.
Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp chủ động triển khai thực hành QTCT theo thông lệ quốc tế, đồng thời tạo căn cứ để các đối tượng liên quan có cơ sở để đánh giá chất lượng QTCT, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng quản trị tại chính doanh nghiệp.