Xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho đảm bảo đồng bộ, hiện đại
Dự báo, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có xu hướng tăng, khó dự đoán và có thể kéo dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, môi trường sống và sức khỏe người dân. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG) trong thời kỳ mới đảm bảo đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cấp thiết.
Bài học từ thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020
Ông Trần Quốc Thao - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, qua thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật DTQG đồng bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống kho dự trữ, trong đó quy định tiêu chuẩn xây dựng kho phù hợp với danh mục mặt hàng DTQG, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật.

Xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống kho DTQG tiên tiến, hiện đại, bảo quản đúng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu dự trữ.
Hai là, tăng cường nguồn lực xây dựng hệ thống kho DTQG đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, bố trí ở các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước để chủ động, sẵn sàng đáp ứng mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ba là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch DTQG 5 năm và hàng năm phải dựa trên nhu cầu thực tiễn nhiệm vụ được giao, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để cấp có thẩm quyền có cơ sở bố trí nguồn lực nhằm chủ động, linh hoạt và ứng phó nhanh với những tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.
Ba là, trong chỉ đạo, điều hành cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo; phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ DTQG được giao. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành quản lý hàng DTQG với các bộ, ngành, địa phương trong việc bố trí hệ thống kho để huy động và sử dụng nguồn lực DTQG ứng phó với những tình huống đột xuất cấp bách xảy ra.
Bốn là, bố trí các điểm kho DTQG phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và các quy hoạch khác có liên quan, tránh sự chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn khi triển khai xây dựng các dự án đầu tư kho DTQG.
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương với các đơn vị DTQG, các doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG trên địa bàn trong đánh giá, đề xuất những nhu cầu cần xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ tại địa phương, để nghiên cứu, đề xuất xây dựng Quy hoạch các điểm kho theo các vùng kinh tế-xã hội đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho trong thời kỳ mới
Theo Lãnh đạo Vụ Kế hoạch, hiện nay, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
Theo đó, để phù hợp với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 thì việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG phải đảm bảo liên hoàn, đồng bộ, an toàn, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo mức dự trữ để sẵn sàng, chủ động đáp ứng kịp thời các mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực hiện sắp xếp các điểm kho DTQG theo ngành, vùng lãnh thổ, tuyến chiến lược, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và an ninh, quốc phòng. Đồng thời, phát triển hệ thống kho DTQG với số điểm kho hợp lý trên địa bàn cả nước; quy mô công suất kho và hệ thống kho thuê của các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn kho theo quy định; đảm bảo yêu cầu chứa hàng DTQG.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đảm bảo yêu cầu thiết yếu, chiến lược, quan trọng và có quy mô đủ mạnh để chủ động, sẵn sàng xuất cấp khi có tình huống đột xuất, cấp bách. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước chi DTQG và huy động các nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực DTQG.
Đồng thời, đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo chất lượng, hạ thấp tỷ lệ hao hụt hàng DTQG; nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung ngành DTQG kết nối với dữ liệu quốc gia các ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo đủ thông tin báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong các hoạt động DTQG.
Tổng cục DTNN rà soát, đánh giá các điểm kho hiện có, những điểm kho nằm trong quy hoạch, điểm kho đang chứa hàng khi chưa xây dựng được kho mới theo quy hoạch thì sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp bảo đảm công suất kho trong từng giai đoạn; những điểm kho không nằm trong quy hoạch, tiến hành thanh lý theo quy định.
Ngoài các nhiệm vụ trên, để thích ứng với kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, hệ thống DTNN cũng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực DTQG chất lượng cao, bảo đảm về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, năng lực công tác; trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bảo quản hàng DTQG.
Đồng thời, sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực theo vị trí việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của ngành DTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao cần phải xây dựng một lực lượng DTQG đủ mạnh về số lượng, phù hợp về cơ cấu, bố trí hợp lý, thì Quy hoạch hệ thống kho DTQG trong giai đoạn mới cũng phải xây dựng theo hướng hiện đại, quy mô tập trung, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển DTQG cùng thời kỳ.