Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại:
Xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nợ
Trong những năm qua, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại luôn hoàn thành xuất sắc công tác quản lý nợ được Bộ Tài chính, Chính phủ đánh giá cao. Công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến, tiếp cận gần hơn với các thông lệ tốt trên thế giới; cơ cấu nợ chính phủ có sự chuyển biến tích cực...
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (trước đây là Vụ Tài chính đối ngoại) được thành lập năm 1961 (với tên gọi ban đầu là Vụ Quản lý ngoại tệ). Từ đó đến nay, Cục đã có nhiều thay đổi về tên gọi, bộ máy tổ chức và đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, với các lĩnh vực nghiệp vụ ngày càng được mở rộng trong lĩnh vực quản lý nợ và tài chính đối ngoại, đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Công tác xây dựng chế độ chính sách
Một dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng chính sách chế độ của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại giai đoạn 2004-2014 là việc chủ trì xây dựng Luật Quản lý nợ công đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/06/2009, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có luật điều chỉnh chuyên biệt về lĩnh vực nợ công. Việc ban hành Luật Quản lý nợ công nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong công tác quản lý nợ, tránh tình trạng các đầu mối quản lý tản mạn, tình trạng thiếu thông tin và phối hợp kém hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Luật Quản lý nợ công ra đời cũng có ý nghĩa như một thông điệp khẳng định rõ với các nhà tài trợ về mức độ nhất quán, tính minh bạch trong công tác quản lý nợ công của Việt Nam.
Để triển khai thực hiện các quy định của Luật Quản lý nợ công, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại là đơn vị chủ trì giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính soạn thảo hàng loạt văn bản hướng dẫn thi hành Luật này gồm: 04 nghị định của Chính phủ, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 thông tư của Bộ Tài chính, 02 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã chủ trì xây dựng những đề án có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao, mang tầm chiến lược, được triển khai trong trung và dài hạn như: (I) Đề án Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (II) Đề án Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013-2015; (III) Đề án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế; (IV) Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia; (V) Đề án đánh giá thực trạng nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006-2010.
Bên cạnh việc xây dựng Luật Quản lý nợ công và các Đề án chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, từ năm 2004 đến năm 2014, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã chủ trì xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành hoặc trình Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều đề án và văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nợ
Trong những năm qua, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại luôn hoàn thành xuất sắc công tác quản lý nợ, được Bộ Tài chính, Chính phủ đánh giá cao. Công tác quản lý nợ đã có nhiều chuyển biến, dần tiếp cận gần hơn với các thông lệ tốt trên thế giới. Cơ cấu nợ Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước; Đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo cam kết, chủ động bố trí nguồn trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn; Tăng cường công khai, minh bạch về thông tin và số liệu nợ công.
Cụ thể, công tác huy động nguồn vốn vay nước ngoài được thực hiện kịp thời, hàng năm trung bình ký kết mới từ 3-4 tỷ USD vốn vay nợ và viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các đối tác song phương và các nhà tài trợ khác. Công tác giải ngân được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu sử dụng của Chính phủ và nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nói chung.
Giai đoạn 2004 - 2015 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động không nhỏ đến công tác quản lý nợ công, đặc biệt là công tác huy động, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, tập thể cán bộ công chức và lãnh đạo Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2005, đơn vị đã thực hiện thành công việc phát hành trái phiếu chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế lần đầu tiên (750 triệu USD). Năm 2006-2007, Cục đã trình ban hành Quy chế thu thập, tổng hợp, báo cáo, chia sẻ và công bố thông tin về nợ nước ngoài được phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hành Bản tin nợ nước ngoài đầu tiên (sau này là Bản tin nợ công) định kỳ 6 tháng/lần. Đây là một bước tiến mới trong công tác quản lý nợ, cung cấp đầy đủ và kịp thời cho công chúng số liệu về tình hình nợ công, thể hiện tính minh bạch của công tác quản lý tài chính và công tác quản lý nợ. Bên cạnh đó, đơn vị đã có sáng kiến vận động Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nâng bậc xếp hạng trong phân loại rủi ro tín dụng của Việt Nam và đã đạt được thành công tốt đẹp. Với việc nâng bậc này, hàng năm đã tiết kiệm cho Việt Nam khoảng 15-20 triệu USD cho các dự án vay thương mại.
Từ 2008-2011 là giai đoạn có biến chuyển quan trọng về quan điểm thống nhất quản lý nợ công. Đơn vị đã chủ trì xây dựng Luật Quản lý nợ công và xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công, quan điểm thống nhất quản lý nợ công trong và ngoài nước được Bộ Tài chính, Chính phủ thống nhất và tập trung vào một đầu mối tại Bộ Tài chính. Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chưa ổn định nhưng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại với mô hình một cơ quan quản lý nợ hiện đại với các tuyến làm việc theo thông lệ quốc tế đã thực hiện thành công giao dịch phát hành trái phiếu của Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với trị giá 1 tỷ USD. Cùng thời gian này, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng đã ký kết 31 hiệp định vay nợ với tổng trị giá là 14,419 tỷ USD, góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Giai đoạn 2012-2014, thực hiện kế hoạch về vay và trả nợ, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tăng cường những biện pháp đẩy mạnh giải ngân các khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi và vay thương mại. Công tác giải ngân luôn được thực hiện kịp thời, có sự cải thiện đáng kể, tổng trị giá giải ngân luôn vượt mức kế hoạch năm, góp phần quan trọng để giảm căng thẳng cân đối cho ngân sách.
Năm 2014, thực hiện theo Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/10/2014 phê duyệt đề án phát hành trái phiếu quốc tế, tháng 11/2014, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với lãi suất coupon là 4,8%/năm. Kết quả, đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ đã kéo dài kỳ hạn trả nợ gốc của danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, đảm bảo không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu, duy trì tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn, đồng thời góp phần tạo được mức lãi suất chuẩn mới trên thị trường vốn quốc tế, thấp hơn nhiều so với các đợt phát hành trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ cũng như doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế trong tương lai với chi phí huy động hợp lý hơn, qua đó góp phần nâng cao tính chủ động trong công tác quản lý nợ công của Chính phủ.
Trong 10 năm qua, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã thực hiện đàm phán và ký kết bình quân hàng năm trên 50 hiệp định vay với các nhà tài trợ nước ngoài với trị giá khoảng 3-4 tỷ USD/năm, tổ chức tốt việc giải ngân, giám sát việc sử dụng vốn và thực hiện nghiêm túc việc trả nợ nước ngoài.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 79/NQ-CP ngày 03/11/2014 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2014 và Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/02/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bao gồm: (I) Quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép; (II) Nợ công phải tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; (III) Tiếp tục cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn; (IV) Từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tập trung thu nội địa, tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ (V) Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý nợ công và các Luật có liên quan. Bên cạnh đó, cùng với việc trình Chính phủ đề án đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đang triển khai đề án tiếp cận thị trường vốn quốc tế với mục tiêu góp phần tái cơ cấu danh mục nợ và tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý nợ công.