Xây dựng vùng trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Ninh Thuận
Xác định khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận có vị trí, vai trò rất quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của Tỉnh, nhất là phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, cảng biển, điện khí, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện gió, mặt trời...
Để huy động cao nhất các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế xây dựng vùng trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV đã đề ra. Mới đây, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 18-19%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn đạt khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025 GRDP bình quân/người đạt khoảng 130 triệu đồng; tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm khoảng 28-29% GRDP của tỉnh Ninh Thuận; cơ cấu các ngành: Nông nghiệp, thủy sản chiếm 24-25%; công nghiệp, xây dựng chiếm 57-58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18-19%; tạo việc làm cho khoảng 77 nghìn người.
Về định hướng đến năm 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 tăng 21-22%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 30-35 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt khoảng 300 triệu đồng; tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 50%-51% GRDP của tỉnh; cơ cấu các ngành: Nông nghiệp, thủy sản chiếm 11-12%; công nghiệp, xây dựng chiếm 64-65%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 24-25%; tạo việc làm cho khoảng 97 nghìn người.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nêu trên, Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo đồng thuận trong xã hội. Xây dựng, hoàn thiện, quản lý và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, đa mục tiêu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển. Tập trung phát triển các ngành: công nghiệp- xây dựng, phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn bền vững và phát triển. Phát triển không gian các tiểu vùng, gồm:
Tiểu vùng công nghiệp - năng lượng - cảng biển nằm trên địa bàn các xã: Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và Phước Diêm; trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ, các ngành năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG), cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic, cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải, Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná. Tiểu vùng du lịch - dịch vụ phụ trợ nằm trên địa bàn các xã: Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, trong đó tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển.
Tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao nằm trên địa bàn các xã: An Hải, Phước Hải, huyện Ninh Phước và thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; trong đó, tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Tiểu vùng bảo tồn nằm trên địa bàn các xã: Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh và 1 phần xã Cà Ná; trong đó, tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển KT-XH vùng. Gắn phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trên tinh thần Nghị quyết đề ra, Tỉnh ủy Ninh Thuận giao các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo việc tổ chức quán triệt sâu kỹ, hiệu quả Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả. Đảng đoàn HĐND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo xây dựng nghị quyết, chương trình và các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh bảo đảm hiệu quả, khả thi phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc tổ chức triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, các chủ trương, chính sách về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; kịp thời phát hiện, đưa tin những cách làm hay, điển hình tốt để nhân rộng. Đảng Đoàn Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và bố trí đủ nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết; nghiên cứu đưa một số chỉ tiêu về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào nhóm chỉ tiêu phát triển KT-XH hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; định kỳ hằng năm, 3 năm, 5 năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết đề ra.