Xây thế nào để ngôi nhà hẹp mà vẫn có đủ không gian riêng cho các thành viên?
Với bề ngang hẹp, ngôi nhà phố được thiết kế vừa đủ công năng, vừa có khả năng kết nối một gia đình nhiều thế hệ.
Nhà Tân Phú là tên của một công trình nhà ở hẹp nhưng sâu - đây cũng được xem là đặc điểm tiêu biểu cho nhà ở tại các đô thị lớn. Theo chia sẻ của KTS, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề bất lợi của đô thị như ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đội ngũ thiết kế phải tiến hành thay đổi những thói quen đã cũ và hướng đến không gian sống mở phù hợp với từng thành viên trong gia đình.
Nhà có 4 tầng, tổng diện tích sàn là 280 m2. Trong quá trình lên ý tưởng thiết kế, KTS đã chú trọng vào 3 khoảng thông tầng lệch nhau. Các không gian sinh hoạt chung được mở rộng từ các không gian riêng tư ở từng tầng nhằm tạo nên sự đa dạng hoạt động cho người sử dụng. Điều này cũng làm tăng khả năng gặp gỡ giữa các thành viên trong nhà – điều thường thiếu trong những gia đình hiện đại bận rộn.
Ở tầng 1, sau khoảng sân là bếp, cầu thang, một phòng ngủ và khoảng vườn nhỏ.
Phòng ngủ ở tầng 1 được bố trí mở, phù hợp với người già hoặc khách
Tầng 2 là không gian tràn ngập ánh sáng với 2 khu vực được phân cách khá rõ ràng: bên ngoài là khu vực sinh hoạt chung, bên trong là phòng ngủ. 2 khu vực được kết nối với nhau bởi một lối đi nhỏ.
Lối đi này được tận dụng làm nơi học tập của trẻ nhỏ.
Dù diện tích hạn chế, kiến trúc sư vẫn thiết kế khoảng thông tầng với lớp kính trong suốt, Khu vực này thích hợp để các thành viên trong nhà găp gỡ, thư giãn.
Lớp gạch nền ở phòng khách tạo cảm giác mát mẻ, phóng khoáng
Phần lớn diện tích tầng 3 được dành cho phòng ngủ, phía sau phòng ngủ một bồn tắm được thiết kế tinh tế. Phần diện tích còn lại dùng để bố trí cầu thang dẫn lên tầng 4.
Tầng 4 được thiết kế thông thoáng, khoảng 1/3 không gian được dành làm nơi thờ cúng, phần còn dùng để trồng cây xanh.
Với 2 lớp tường bảo vệ, cùng cây xanh ở giữa, ngôi nhà có thể tránh được nắng nóng và tiếng ồn.
Bản mô phỏng thiết kế.