Xếp hạng tín nhiệm tăng, các tổ chức quốc tế nhận định lạc quan về nợ công Việt Nam
Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo nợ công an toàn, bền vững, tình hình nợ công của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Những kết quả tích cực này phần nào được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức quốc tế thông qua các báo cáo về xếp hạng tín nhiệm rất tích cực đối với Việt Nam.
Những góc nhìn lạc quan
Ngày 9/5/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ổn định lên Tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Việc cải thiện triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Trong những điểm sáng đó, theo nhận định của Fitch Ratings, Việt Nam đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018 và được dự báo tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020. Theo tính tính của tổ chức này, tính đến cuối năm 2018, nợ công của Việt Nam cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP.
Với kết quả ấn tượng này, Fitch Ratings nhận định Việt Nam tiếp tục sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp.
Trước đó, ngày 5/4/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors (S&P) cũng đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "ổn định", đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức "B". Đây là quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam của S&P lần đầu tiên sau 9 năm giữ nguyên mức xếp hạng "BB-" (kể từ tháng 12/2010).
Sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Theo S&P, việc nâng hạng phản ánh thể chế đang liên tục được cải thiện, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xã hội. Các yếu tố bên ngoài, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy mạnh vào Việt nam, hay nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát, cũng là căn cứ cho mức xếp hạng này. S&P tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Bên cạnh S&P và Fitch Ratings, trước đó, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực. Cụ thể, vào tháng 8/2018, Moody’s cho biết xếp hạng Ba3 phản ánh tiềm năng tăng trưởng mạnh, nhờ việc sử dụng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế ngày càng hợp lý. Nợ Chính phủ cũng đang giảm dần nhờ kỳ hạn trái phiếu dài và giảm phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ. Moody’s cho rằng nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ vẫn ổn định quanh mốc hiện tại, tương đương khoảng 52% GDP năm 2017. Sau năm 2020, gánh nặng nợ sẽ giảm dần. Ngoài ra, hãng cũng nâng trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam từ Ba2 lên Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ B2 lên B1.
Tin tưởng vào những kết quả ấn tượng của Việt Nam, Moody’s cho biết có thể tiếp tục nâng hạng cho Việt Nam nếu các chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ giảm thâm hụt và giảm đáng kể nợ chính phủ, sức khỏe của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện bền vững và sức mạnh thể chế được nâng lên. Thực tế cho thấy, nhận định này của Moody’s hoàn toàn có cơ sở khi mà gần một năm sau nhận định này, các tổ chức quốc tế như Fitch Ratings, S&P đều lần lượt nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam.
Triển vọng sáng sủa
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cũng cho biết, nợ công năm 2018 được kiểm soát ở mức 58,4%/GDP, thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép (65%/GDP); nợ Chính phủ 50,0%/GDP, thấp hơn mức 54%/GDP Quốc hội cho phép; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 15,9%/thu ngân sách, thấp hơn mức cho phép 25%/thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài quốc gia là 46%/GDP, thấp hơn mức 50%/GDP được Quốc hội cho phép.
Để tiếp tục quản lý hiệu quả nợ công, Bộ Tài chính chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn...
Theo nhận định các chuyên gia, nếu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như thời gian qua, cùng với việc triển vọng thu hút vốn FDI ngày càng tốt, tín nhiệm của Việt Nam ngày càng tăng, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được hỗ trợ qua việc tham gia nhiều FTA..., tình hình nợ công Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện và nhận được nhiều đánh giá lạc quan từ các tổ chức quốc tế.