Xoá bỏ định kiến, thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực chính trị
Chiều 21/8/2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề “Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới” nhằm tạo diễn đàn khoa học thảo luận các vấn đề liên quan đến nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững; tăng cường trao đổi học thuật giữa các giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Phụ nữ Việt Nam với các nhà khoa học trên mọi miền đất nước.

Khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, quyền của phụ nữ là vấn đề mang tính thời đại. Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là giải pháp quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Ngày nay, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
"Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội, đồng thời là tiền đề để hiện thực hoá các quyền con người khác", TS. Dương Kim Anh nhấn mạnh.
Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng, với 0,711 điểm trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số khoảng cách giới.
TS. Dương Kim Anh cho biết, Việt Nam luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 là phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%.
“Có thể thấy, quan điểm tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo; mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Đất nước”, TS. Dương Kim Anh bày tỏ.

Tham luận nội dung định kiến về vai trò giới đối với lãnh đạo nữ ở hệ thống chính trị cấp cơ sở, TS. Trần Thị Hồng – Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, trong nhiều năm qua, việc tăng cường số lượng phụ nữ trong hệ thống chính trị được nhiều quốc gia thúc đẩy. Tuy nhiên, sự tồn tại của định kiến giới về vai trò lãnh đạo của cán bộ nữ đang là yếu tố rào cản ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự tham gia của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cơ sở.
Theo TS. Trần Thị Hồng, định kiến này tồn tại ở cả người đứng đầu tổ chức, đồng nghiệp làm kìm gãm việc thực thi vai trò và đóng góp của cán bộ nữ. Định kiến này cũng tồn tại ở cộng đồng, gia đình và chính bản thân người phụ nữ.
Để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, song hành với việc truyền thông, thay đổi nhận thức của cộng đồng, huy động sự tham gia của nam giới vào việc thay đổi vai trò giới truyền thống, còn cần các hoạt động hỗ trợ tăng cường nguồn lực cho phụ nữ cũng như nâng cao năng lực chính trị, trình độ chuyên môn, các kỹ năng lãnh đạo…
Đảm bảo quyền của phụ nữ trong hoạt động chính trị
Nêu ý kiến liên quan đến chính sách và thực thi chính sách bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam, TS. Phan Thuận – Học viện Chính trị Khu vực IV bày tỏ, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc đảm bảo cơ hội cho phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, công tác bình đẳng giới ở nước ta cũng được thể chế hoá thành những chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể.
Bằng sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng ban hành và thực thi chính sách bình đẳng giới được triển khai nghiêm túc và đạt nhiều kết quả như: Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu quốc hội, trong hai thập niên qua, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội dao động từ 24,0%-27,0%, Việt Nam được đánh giá rất tích cực về tiêu chí nữ giới tham gia trong Quốc hội; nữ đại biểu HĐND các cấp ở nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm dưới 30% và tỷ lệ này ở các cấp đều có xu hướng tăng lên so với các nhiệm kỳ trước…
Theo TS. Phan Thuận, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bình đẳng giới, góp phần đảm bảo quyền của phụ nữ trong hoạt động chính trị ở Việt Nam thì cần lưu ý một số vấn đề như: phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; rà soát và hoàn thiện các quy định thiếu tính nhạy cảm giới; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ; truyền thông bình đẳng giới để xoá bỏ định kiến giới…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe và trao đổi, thảo luận về một số nội dung khác như: Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh - Cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ; Thực trạng, giải pháp nâng cao vị thế chính trị của phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới đến 2030 và tầm nhìn 2045...