Xóa bỏ định kiến về giới, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong xã hội
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 29/11, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030 và hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022” trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đến dự có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP. Hồ Chí Minh; Thành ủy viên, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Phượng Trân.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 15 năm qua thực hiện Luật Bình đẳng giới song hành với triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới và và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các ngành, các cấp của Thành phố đã nỗ lực xây dựng được các sản phẩm chuyên môn chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố vẫn phải đối mặt với thách thức trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Cụ thể, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương và các thành phần trong xã hội, đặc biệt là tình trạng xâm hại, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em không những ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần với nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Về triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030, UBND TP. Hồ Chí Minh xác định chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 60% và đến 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp của Thành phố có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Đồng thời, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Đối với trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Thành phố xác định giảm số gửi trung bình làm việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Đến năm 2025, đạt 80% và đến năm 2030 đạt 30% người bị bạo lực gia đình được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn…
Đối với phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Bên cạnh đó, từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Riêng lĩnh vực y tế, đến năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh ở mức 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra sống và duy trì đến năm 2030; Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống dưới 4/100.000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18 ca sinh/1.000 phụ nữ vào năm 2025 và dưới 18 ca sinh/1.000 phụ nữ vào năm 2030; Có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới vào năm 2025 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức đề nghị thủ trưởng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các hoạt động, mô hình hiện có để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực về bình đẳng giới đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, lĩnh vực hiểu đúng, hiểu đủ về bình đẳng giới và hệ lụy của định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội.
Đồng thời, rà soát, lựa chọn cụ thể một vấn đề về bình đẳng giới, về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong ngành, lĩnh vực để xây dựng đề án hoặc chương trình hành động; Quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện thu thập thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính trong từng hoạt động chuyên môn để có cơ sở đánh giá tác động giới và ngân sách có trách nhiệm giới trong các chính sách, chương trình, dự án của ngành, lĩnh vực.
Theo đồng chí Dương Anh Đức, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế bạo lực trên cơ sở giới như: các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý trường hợp, xử phạt đối tượng gây bạo lực,… song tình trạng bạo lực, xâm hại khó kiểm soát và ngăn chặn kịp thời do nạn nhân không lên tiếng và việc thu thập dữ liệu về bạo lực, xâm hại còn chồng chéo và bất cập.
Vì vậy, để có cơ sở rà soát hiệu quả của chính sách, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức quan tâm, phối hợp để triển khai có hiệu quả “Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.
Để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của rất nhiều người từ hàng đời nay, đồng chí Dương Anh Đức mong muốn cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong đó các cơ quan truyền thông, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền thông xóa bỏ định kiến về giới để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong xã hội.