Xóa tiền chậm nộp thuế, không lo chính sách bị trục lợi
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, không lo bị lợi dụng chính sách khi thực hiện khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Phóng viên: Dù đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020 (Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực), song thảo luận trước đó về nội dung trên, một số đại biểu vẫn lo ngại chính sách này bị trục lợi.
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Nghị quyết nêu trên đã quy định rất rõ, việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch việc xử lý nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân.
Việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Thực ra, Quốc hội chỉ cho phép xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn tiền nợ gốc vẫn khoanh lại, không được xóa. Thậm chí, tiền phạt, tiền chậm nộp cũng chỉ là tạm xóa, tạm “treo”, vì dù đã được xóa, nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện trường hợp nào xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới sẽ hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ. Cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối tượng nộp thuế tiến hành thu hồi số tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa. Vì vậy, không lo bị trục lợi chính sách khi thực hiện Nghị quyết trên.
Thưa ông, trên thực tế, có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi khi cơ quan thuế xóa nợ thuế theo Luật Quản lý thuế năm 2006?
Thực tế cho thấy, chưa phát hiện được trường hợp nào lợi dụng chính sách xóa nợ để trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước, vì Luật Quản lý thuế hiện hành quy định rất chặt chẽ rằng, chỉ xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản, mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.
Các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt không thuộc các trường hợp trên chỉ được xóa sau 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thuế, nhưng không có khả năng thu hồi.
Để ngăn chặn nợ ảo phát sinh, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định 5 trường hợp được khoanh nợ (không tính tiền chậm nộp) kể từ ngày 1/7/2020, trong khi Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định, nên dẫn tới lỗ hổng pháp lý là các khoản nợ không có khả năng thu hồi trước thời điểm 1/7/2020 không được khoanh, không xử lý được, nếu Quốc hội không có nghị quyết để xử lý vấn đề này.
Nghị quyết của Quốc hội tạm xóa tiền chậm nộp, tiền phạt và khoanh lại nợ gốc không có khả năng thu hồi trước ngày 1/7/2020. Các khoản nợ được khoanh này sẽ được xóa theo Luật Quản lý thuế năm 2019, với quy định chặt chẽ hơn về xóa nợ thuế, nên không có kẽ hở để lợi dụng.
Chặt chẽ hơn ở điểm nào, thưa ông?
Đối tượng được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp không được mở rộng. Ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản; cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, các khoản nợ khác phải quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế, mà không thể thu hồi được mới được xóa.
Kể cả đã được xóa tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, nhưng nếu người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh, hay thành lập cơ sở mới, thì phải nộp đầy đủ các khoản nợ đã xóa. Như vậy, khoản nợ xóa thực ra chỉ được khoanh lại mà thôi.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương, bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải hoàn trả vào ngân sách nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và quy định cụ thể việc xóa nợ với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được khoanh để tránh bị lợi dụng.
Một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn, việc khoanh nợ gốc, xóa tiền chậm nộp và tiền phạt sẽ khiến ngân sách nhà nước bị thất thu?
Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là 42.990 tỷ đồng. Trong số tiền nợ không có khả năng thu hồi, thì tiền gốc là 27.211 tỷ đồng, số tiền này tạm khoanh lại để ngăn nợ ảo phát sinh và sẽ được xem xét xóa theo các điều kiện chặt chẽ của Luật Quản lý thuế 2019.
Số tiền chậm nộp, phạt chậm nộp không có khả năng thu hồi là 15.779 tỷ đồng sẽ được xóa, nhưng ngân sách nhà nước không thất thu đồng nào vì đây là tiền chậm nộp, phạt chậm nộp, nói nôm na là tiền lãi ảo tính trên số nợ gốc, nếu không xóa, nợ ảo ngày càng gia tăng. Thời điểm 31/12/2018, số nợ ảo chỉ 11.896 tỷ đồng, nhưng đến 31/8/2019 đã tăng lên 15.779 tỷ đồng.
Hơn nữa, cả tiền nợ gốc tạm khoanh, sau đó được xóa khi đáp ứng các quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và số tiền chậm nộp, tiền phạt được xóa, khi tổ chức, cá nhân quay lại hoạt động hoặc thành lập cơ sở sản xuất mới vẫn phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước thì mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.