Xu hướng ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ toàn cầu những năm tới
Ngoài các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô toàn cầu có tính chu kỳ trong ngắn hạn thì về dài hạn, sẽ có những xu hướng tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ toàn cầu ở các mức độ khác nhau trong những năm tới.
Bán lẻ toàn cầu "hưởng lợi" từ vĩ mô
Năm 2015, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chứng kiến sự biến động khó lường trên thị trường chứng khoán (đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc và Mỹ), thị trường hàng hóa và năng lượng; những chính sách thắt chặt tiền tệ tại Mỹ và Anh; tỷ giá USD mạnh lên; chính sách nới lỏng định lượng tại Cộng đồng chung châu Âu và Nhật Bản; sự suy giảm thương mại toàn cầu... Dự kiến năm nay, tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt mức 2,5% - mức tăng giống như mọi năm kể từ năm 2012.
Đáng chú ý là sự đóng góp vào nền kinh tế thế giới từ các thị trường mới nổi tiếp tục suy giảm do các kinh tế lớn như Trung Quốc, Brazil và Nga đang phát triển chậm hoặc thậm chí bị thu hẹp lại. Đặc biệt, vấn đề quan ngại đối với viễn cảnh toàn cầu chính là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, trong đó quý III/2015 ước tính chỉ đạt mức 6,9% trở thành mức thấp nhất kể từ quý I/2009. Trong bối cảnh đó, những cải cách kinh tế chủ yếu là tại Mỹ và Anh đã thúc đẩy sự tăng trưởng ước tính khoảng 2%/năm trong năm 2015, góp phần cân bằng lại hoạt động không hiệu quả tại các thị trường mới nổi.
Đánh giá mới đây của Công ty tư vấn Bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield cho thấy, nhìn chung, các thị trường mới nổi vẫn đóng góp chính vào sự tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2015 và năm 2016 thì có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Hoạt động kém hiệu quả của các thị trường mới nổi phần nào lí giải thích tại sao sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu giảm trong những quý gần đây và sự xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn của các rủi ro suy thoái so với vài tháng trước.
Đặc biệt, theo lí giải của các chuyên gia Cushman & Wakefield, các yếu tố kinh tế vĩ mô sẽ tác động đến xu thế tiêu dùng toàn cầu trong thời gian tới. Theo đó, nhu cầu dùng hàng xa xỉ của Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch chống tham nhũng của nước này đang triển khai từ năm 2012, trong đó hạn chế việc mua các mặt hàng như đồng hồ, các phụ kiện trang sức xa xỉ được thiết kế riêng và có số lượng giới hạn dành cho quan chức chính phủ và giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước.
Ngược lại, chính sách “Abenomics” - chính sách kinh tế của Thủ tướng Shizo Abe tại Nhật Bản đã làm suy yếu đồng yên, làm cho Tokyo – từ một địa điểm vốn đắt đỏ trở thành điểm mua sắm hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng. Các khu mua sắm ở Hàn Quốc và châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc đồng tiền suy yếu vì xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc đi du lịch nước ngoài để mua sắm hàng hóa chất lượng cao đã tăng lên.
Trong khi đó, theo ông Theodore Knipfing, Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, triển vọng thị trường bán lẻ châu Á rất tích cực, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ trung bình là 8,5% trong suốt 5 năm qua. Lượng khách du lịch tăng đang thúc đẩy hoạt động bán lẻ mạnh mẽ tại các địa điểm mua sắm có vị trí đắc địa và thuận tiện.
Tại Việt Nam, tự do hóa thị trường bán lẻ năm 2009 đã giúp các thương hiệu nước ngoài gia nhập và các thương hiệu trong nước không ngừng mở rộng để duy trì hiện diện trên thị trường. Các ngành hàng phát triển nhất của phân khúc bán lẻ hiện nay là ăn uống (F&B) và các sản phẩm tiêu dùng.
Có thể nói, người tiêu dùng toàn cầu đã được hưởng lợi từ rất nhiều các xu hướng vĩ mô trong năm 2015. Giá dầu thế giới giảm từ 115 USD/thùng (từ giữa năm 2014) thành 50USD/thùng (giữa năm 2015) đã giúp giá xăng dầu, chi phí năng lượng và chi phí đầu vào của hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng giảm, giúp giảm giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, tại các nền kinh tế mới nổi trọng yếu vẫn tồn tại các vấn đề như giá cả hàng hóa năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế và sản xuất công nghiệp chậm lại. Điều này đã tăng áp lực giảm phát trên toàn cầu, dẫn đến tỷ lệ lạm phát của Mỹ, Anh và Cộng đồng Chung châu Âu gần bằng 0.
Trong ngắn hạn, giá cả hàng hóa và dịch vụ thấp hơn là tin mừng cho người tiêu dùng - đặc biệt là trong lúc tỷ lệ thất nghiệp đang giảm, áp lực tăng lương cao, giúp một số nền kinh tế cải thiện sự tăng trưởng lương thực tế. Ngoài ra, lãi suất liên tục giảm đã giúp cho các hộ gia đình thuận lợi và ổn định hơn trong việc trả lãi vay, giúp bảng cân đối thu chi tốt hơn.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ toàn cầu thời gian tới?
Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện do nhu cầu trong nước và đầu tư tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế sẽ ngày càng khác biệt giữa các quốc gia. Trên hết, sự thịnh vượng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc vào lượng hàng hóa, thâm hụt thương mại và sự ổn định chính trị - biên giới.
Phân tích của Cushman & Wakefield cho thấy, bên cạnh các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô toàn cầu có tính chu kỳ trong ngắn hạn thì cũng có những vấn đề trong dài hạn, kèm theo những xu hướng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phân khúc bán lẻ ở các mức độ khác nhau trong những năm tới. Những xu hướng chính bao gồm:
- Dân số già: Dân số già tại châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và Mỹ sẽ khiến triển vọng tăng trưởng trong tương lai có xu hướng giảm bởi vì lực lượng lao động sẽ ít lại, chi tiêu chính phủ phân bổ cho lương hưu và chăm sóc y tế ngày càng tăng cao hơn. Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau cho vấn đề này, trong đó bao gồm: Chấm dứt chính sách một con (tại Trung Quốc); Cải thiện tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động (Nhật Bản); Thảo luận vai trò của vấn đề nhập cư (châu Âu, Anh và Mỹ…). Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng chủ lực để duy trì nhận diện thương hiệu.
- Tốc độ đô thị hóa: Theo Liên Hiệp Quốc, năm 2014 có 54% dân số thế giới sống tại các khu vực đô thị, tăng 30% so với năm 1950 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên 66% vào năm 2050. Do dân số sống tại thành thị đông đúc hơn nên các nhà bán lẻ sẽ tận dụng lợi thế này để tăng cường doanh số bán hàng. Các địa điểm mua sắm giúp thu hút khách du lịch và kích thích mua sắm của người dân. Đô thị hóa sẽ dẫn đến sự cạnh tranh cao hơn, giúp các nhãn hàng tập trung hơn vào việc xây dựng thương hiệu, duy trì lòng trung thành của khách hàng và các quảng cáo ấn tượng. Do vậy, việc mở các cửa hàng bán lẻ tại các đường phố mua sắm sẽ được chú trọng nhiều hơn.
- Sự lên ngôi của các kênh bán lẻ: Mặc dù thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng trong vòng 10 năm qua, thay đổi hoàn toàn nhiều ngành công nghiệp (nhà sách, âm nhạc, du lịch, ngân hàng) nhưng hiện nó vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ so với tổng doanh thu bán lẻ. Mức tăng trưởng cao nhất của mua sắm trực tuyến tại châu Âu thuộc về Anh với tỷ lệ 12,2% trong năm 2014. Như vậy, các cửa hàng truyền thống vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ngành bán lẻ vì khách hàng được tương tác trực tiếp với hàng hóa, trải nghiệm sự hài lòng, có nhân viên hỗ trợ cá nhân và có người hướng dẫn tại cửa hàng...
- Đột phá công nghệ: Công nghệ ngày càng tiến bộ thì cơ hội mới sẽ xuất hiện. Ví dụ điển hình là việc sử dụng dữ liệu để phân tích mô hình và hành vi tiêu dùng nhằm thông báo vị trí cửa hàng, giới thiệu sản phẩm, chiến lược tiếp thị… ngày càng phổ biến. Theo McKinsey & Company, những người sử dụng và phân tích dữ liệu để chứng minh hiệu quả, hiệu suất, lợi nhuận sẽ có cơ hội thành công cao hơn 5- 6% so với những người không làm như vậy.
- Nhận thức biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề phát triển bền vững trong nhiều năm qua do các nước đã ban hành những quy định có liên quan, người tiêu dùng trở nên ý thức hơn về môi trường và dần thay đổi quyết định mua sắm phù hợp hơn. Các công ty giám sát theo chuỗi giá trị ngay từ đầu, từ nguyên liệu gia công, quy trình sản xuất và đóng gói, nhà phân phối và các cửa hàng... Bởi vì kỳ vọng khách hàng và quy định của Chính phủ đối với vấn đề này khá cao, do đó chúng ta thấy những dấu hiệu tích cực và dự đoán đươc xu hướng liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.