Xu hướng đầu tư trái phiếu xanh ở Việt Nam và những khuyến nghị
Đầu tư trái phiếu xanh là đầu tư vào các dự án liên quan đến bảo vệ, phục hồi môi trường, phát triển bền vững với tăng trưởng xanh. Đây không phải là lĩnh vực mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, việc đầu tư trái phiếu xanh vẫn còn ở dạng thị trường sơ khai, ít nhà đầu tư quan tâm, bởi lợi nhuận thu được từ lĩnh vực này còn khiêm tốn, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài… Hiện nay, việc thu hút nhà đầu tư vào trái phiếu xanh đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nghiên cứu này chỉ ra xu hướng đầu tư trái phiếu xanh, kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của một số quốc gia, từ đó rút ra các khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam trong thời gian tới.
Xu hướng phát triển trái phiếu xanh
Trong bối cảnh trái đất đang ngày càng bị ô nhiễm và ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới đang dần có sự dịch chuyển đầu tư vào các dự án liên quan đến bảo vệ và phục hồi môi trường. Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, thị trường trái phiếu xanh (TPX) đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tại các nước châu Âu (EU) điển hình như Pháp, Đức... trong vòng hơn thập kỷ qua, việc phát hành TPX đã phát triển nhanh chóng
và liên tục được mở rộng, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019. Năm 2019, giá trị TPX được đưa ra thị trường châu Âu gấp gần năm lần so với năm 2016, với số đợt phát hành TPX tăng từ 85 đợt (năm 2016) lên 338 đợt (năm 2019). Đến năm 2021, có thêm nhiều ngành khác được chú trọng đầu tư với giá trị lớn hơn nhiều so với các năm về trước. Thống kê cho thấy, phần lớn lượng TPX phát hành ra thị trường đến từ các các công ty tài chính (31%), Chính phủ (24%) và các công ty phi tài chính (21%)...
Tại Việt Nam, ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Phát hành thí điểm TPX của chính quyền địa phương” với tổng giá trị TPX đạt 27 triệu USD với hai địa phương đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 8/2019, CTCP Điện mặt trời Trung Nam và CTCP Trung Nam đã thành công trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với quy mô 3.045 tỷ đồng. Tháng 10/2019, Công ty Cổ phần (CTCP) Bamboo Capital (BCG) tiếp tục công bố kế hoạch phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm…
Hay như BIM Land và VinGroup cũng đã có đóng góp to lớn trên thị trường quốc tế với việc phát hành TPX, trong đó BIM Land đã huy động thành công 200 triệu USD trên thị trường quốc tế vào năm 2021. VinGroup đã tiên phong trong việc phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu trị giá 425 triệu USD, chứng tỏ sự cam kết của doanh nghiệp (DN) hàng đầu này đối với mô hình tài chính xanh và sự phát triển bền vững toàn cầu. Ngày 25/10/2023, Việt Nam ghi nhận đợt phát hành quy mô lớn, thu về 2.500 tỷ đồng TPX của Ngân hàng BIDV trên nguyên tắc TPX của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước…
Tại Việt Nam, do những vấn đề về môi trường liên tục diễn biến xấu, xảy ra nhiều thiên tai, nên Chính phủ cũng đang hướng tới các mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững. Vào tháng 11/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết về cam kết thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững bằng việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050. Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp với khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Để có được nguồn lực này, Việt Nam xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn và kêu gọi các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ Việt Nam về tăng trưởng xanh để Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư xanh với nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư trong thời gian tới. Tỷ lệ nhà đầu tư, số vốn tại Việt Nam tham gia vào thị trường TPX còn mức rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đầu tư xanh nói chung và TPX ở Việt Nam nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, bởi đầu tư xanh đòi hỏi nguồn tài trợ vốn đủ lớn, đủ dài để giải quyết bài toán đánh đổi giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan tới quy mô vốn và thời hạn đầu tư. Bên cạnh đó, các thị trường TPX tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, chưa phát triển; đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng về TPX còn hạn chế.
Kinh nghiệm quốc tế
Tại Liên minh châu Âu
Trong quá trình phát triển thị trường tài chính xanh, Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt chú trọng đến sự minh bạch trong mọi giai đoạn từ phát hành đến sử dụng nguồn TPX. Điều đáng chú ý là việc thiết lập tiêu chuẩn TPX của EU (EU GBS) được công bố trong Kế hoạch Đầu tư xanh, trong đó yêu cầu trực tiếp rằng, TPX của EU phải tài trợ cho các “dự án xanh”. Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 19/10/2022, tổng cộng 28 tỷ EUR TPX do NGEU phát hành để dành tài trợ cho 823 biện pháp xanh. Quy trình thẩm định chặt chẽ giúp đảm bảo rằng, các dự án được tài trợ bởi NGEU đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cách tiếp cận thận trọng mà các nhà đầu tư đòi hỏi. Nếu có nghi ngờ về việc một biện pháp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn từ NGEU, biện pháp đó sẽ bị loại khỏi nhóm đủ điều kiện TPX.
Tại Trung Quốc
Đối mặt với mục tiêu lớn của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Trung Quốc đã đặt ra Kế hoạch đầu tư xanh lên đến 320 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), nguồn ngân sách nhà nước chỉ đủ để đáp ứng 15% nhu cầu này. Để giải quyết vấn đề này, năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai Chương trình Xanh hóa thị trường tài chính để tập trung vào nhiều trọng điểm quan trọng như việc hình thành cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư xanh, xây dựng các định chế thực hiện các hoạt động đầu tư và cho vay xanh, cung cấp sản phẩm và kênh tài trợ xanh, đảm bảo sử dụng tài chính công một cách hiệu quả để khuyến khích đầu tư tư nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá tác động môi trường đối với các khoản đầu tư.
Trong thời gian qua, thị trường TPX của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển đáng kể. Đến năm 2016, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về việc phát hành TPX với giá trị lên đến 37 tỷ USD, chiếm đến 40% giá trị phát hành TPX trên toàn cầu. Với sự xuất hiện mạnh mẽ trên cả thị trường trong nước và quốc tế, Trung Quốc đã củng cố vị thế của mình là thị trường TPX lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, khi mà trong năm 2021, giá trị phát hành trái phiếu xanh đạt 109.5 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị phát hành TPX từ các công ty tài chính tăng đáng kể lên 24 tỷ USD, tăng 237% so với năm 2020, chiếm 35% tổng lượng phát hành TPX của Trung Quốc. Đồng thời, DN phi tài chính cũng tham gia mạnh mẽ, với giá trị phát hành tăng lên 31,2 tỷ USD, tăng 482% so với năm 2020. Phần lớn của khối lượng TPX của Trung Quốc, khoảng 46% đến từ DN phi tài chính. Điều này cho thấy sự đa dạng và sự lan rộng của sự tham gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc vào thị trường TPX.
Để đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường TPX, Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp chiến lược và có hiệu suất cao, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng hành lang pháp lí mạnh mẽ, tuyên truyền đồng bộ, hỗ trợ các DN và tổ chức tài chính tham gia tích cực vào thị trường TPX. Các chính sách hỗ trợ, như cho phép sử dụng TPX làm tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay lãi suất thấp từ PBoC đã tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường sự hấp dẫn của thị trường. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, PBoC và các DN là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của thị trường TPX tại Trung Quốc.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Thị trường TPX ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển quy mô, loại hình và nền tảng cung - cầu TPX, nhiều tổ chức phát hành vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành TPX hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Đối với Chính phủ
Thứ nhất, cần đưa ra các chế tài, quy định cụ thể, thống nhất về TPX, trong đó cần kịp thời ban hành những văn bản pháp luật chuyên biệt về TPX, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị trường.
Thứ hai, cần ban hành các cơ chế công bố thông tin minh bạch và công khai trong từng bước thực hiện quy trình phát hành TPX bằng cách cân nhắc tới việc thành lập các bộ phận phụ trách công khai dữ liệu cũng như giám sát các thông tin được cung cấp trên thị trường. Từ đó, nhà đầu tư có thể nắm rõ và cụ thể hóa các thông tin về chủ thể phát hành, quy trình phát hành, tạo ra sự tin tưởng của nhà đầu tư vào TPX.
Thứ ba, cần đưa ra các chính sách ưu đãi nhất định, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua TPX thông qua quy định đến miễn, giảm thuế đối với TPX.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò TPX nói riêng và các loại tài chính bền vững nói chung đối với việc biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Thông qua các trang mạng xã hội, các kênh thông tin để tuyên truyền về lợi ích cũng như vai trò của TPX đối với việc bảo vệ các lợi ích lâu dài của xã hội, đặc biệt đối với con đường phát triển tài chính bền vững của quốc gia.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân
Thứ nhất, cần cẩn trọng và đánh giá kỹ rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất và rủi ro môi trường đối với TPX).
Thứ hai, cần chú trọng quản trị danh mục đầu tư để đảm bảo lợi ích của mình trên thị trường, nâng cao kiến thức tài chính.
Thứ ba, cần cải thiện các yếu tố tâm lý trong đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả quyết định đầu tư, có niềm tin và giữ vững lập trường để không bị ảnh hưởng trước những biến động của thị trường.
Thứ tư, liên tục cập nhật thông tin, nhằm giúp nhà đầu tư có lượng thông tin cần thiết để đánh giá các công ty phát hành TPX phù hợp với kỳ vọng cũng như mục đích đầu tư, thời gian đầu tư trong từng giai đoạn.
Đối với doanh nghiệp
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, thì các DN cũng cần tích cực, chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư vào thị trường TPX. Để có thể thực hiện được đòi hỏi DN cần chú ý những vấn đề về: Minh bạch thông tin về dự án, những rủi ro có thể gặp phải, hiệu quả của dự án, mức độ tác động tới môi trường…
Bên cạnh đó, DN phải định kỳ thực hiện cập nhật thông tin về tiến độ dự án, sử dụng vốn đầu tư, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường xã hội để tăng cường tính bền vững của DN. Cam kết thực hiện các dự án xanh minh bạch và hiệu quả để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cần tăng cường tính hấp dẫn của TPX về mức lãi suất cạnh tranh so với các kênh đầu tư khác và phải biết cân đối lợi tức phải trả cho nhà đầu tư để thu hút đầu tư. Đề xuất một số ưu đãi cho nhà đầu tư như giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế thu nhập cá nhân, hoặc ưu đãi về lãi suất vốn vay. Phát triển đa dạng loại hình TPX như TPX có kỳ hạn ngắn, TPX có thể chuyển đổi và TPX được bảo lãnh vay vốn...
Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo, khoá đào tạo, các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về lợi ích của TPX và các vấn đề xung quanh TPX... Hợp tác với các tổ chức tài chính, các tổ chức phi lợi nhuận để thúc đẩy thị trường TPX và chia sẻ kiến thức về TPX…
Tài liệu tham khảo:
- Vũ Thị Như Quỳnh (2021), Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính, Số 754;
- Vũ Mai Chi, Nguyễn Hồng Gấm, Kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu xanh và một số đề xuất đối với Việt Nam, Theo Tạp chí Ngân hàng;
- Yoshihiro Zenno & Kentaka Aruga (2023), Investigating Factors Affecting Institutional Investors’ Green Bond Investments: Cases for Beijing and Shenzhen, Sustainability 2023, 15(6), 4870, https://www.mdpi.com/2071-1050/15/6/4870.