Cần sớm ban hành Danh mục xanh để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, rào cản đối với thị trường trái phiếu xanh Việt Nam hiện nay là chưa có Danh mục phân loại xanh phù hợp.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ về những quy định hay chuẩn mực về trái phiếu xanh đang phổ biến hiện nay?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trên thị trường quốc tế hiện nay có khá nhiều chuẩn mực áp dụng đối với trái phiếu xanh. Trong đó, các nhà phát hành trái phiếu xanh chủ yếu thực hiện các nguyên tắc theo hai chuẩn mực uy tín là Tiêu chuẩn trái phiếu khí hậu (CBS) của Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) và Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA).
Việc phát hành trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế giúp các tổ chức phát hành không chỉ tiếp cận với nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia, họ có thể ban hành thêm những danh mục xanh của Chính phủ để làm chuẩn, từ đó xác định đâu là trái phiếu xanh và đâu là trái phiếu thông thường. Tất nhiên, danh mục xanh phụ thuộc vào chính sách và sự lựa chọn chính sách của mỗi Chính phủ trong từng giai đoạn phát triển. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển xanh thì Chính phủ sẽ xây dựng danh mục xanh, các tiêu chí xanh.
Bên cạnh danh mục đó, sẽ có các tổ chức đánh giá, xác nhận là những dự án hay doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư vào các trái phiếu như vậy đạt chuẩn xanh. Trái phiếu đó gọi là trái phiếu xanh và có thể được hưởng chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế.
Một số nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư muốn hướng tới phát triển xanh nên họ phân bổ một tỷ lệ nhất định tổng giá trị quỹ đầu tư vào những trái phiếu xanh đạt tiêu chuẩn xanh quốc gia hoặc chuẩn quốc tế.
Phóng viên: Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam được đang được định hình như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều tổ chức tiên phong phát hành trái phiếu xanh và đã thực hiện phát hành theo chuẩn quốc tế của CBI và ICMA. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn vướng mắc là phải chờ hình thành danh mục xanh theo chính sách của Chính phủ, đồng thời hình thành các tổ chức đánh giá, phân loại, dán nhãn trái phiếu xanh.
Hiện nay, FiinRatings là tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được CBI chỉ định là đại lý và đủ tiêu chuẩn có thể đánh giá và dán nhãn trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành trái phiếu theo tiêu chuẩn CBI.
Để đạt kết quả này, FiinRatings phải có sự hợp tác với CBI và tiến hành cử nhân sự tham gia các khóa đào tạo đạt chuẩn của CBI. Từ đó, công ty có năng lực thực thi đánh giá và dán nhãn xanh theo chuẩn CBI, giúp doanh nghiệp được chứng thực khi phát hành trái phiếu xanh ra thị trường trong nước và quốc tế.
Phóng viên: Vậy làm sao để doanh nghiệp có thể phát hành thành công trái phiếu xanh khi mà chưa có danh mục xanh của Chính phủ?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Đúng là vì chưa có danh mục xanh quốc gia nên tỷ trọng trái phiếu xanh trên thị trường vốn còn rất thấp. Nhưng cũng có thể kể tên một số doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu xanh như Hòa Phát, BIM, Vingroup… Những doanh nghiệp này đã phải cung cấp thông tin, hồ sơ, đề xuất đợt phát hành với mục tiêu sử dụng vốn phù hợp với hoạt động kinh doanh, dự án này đáp ứng được bộ tiêu chí quốc tế.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ tiếp cận doanh nghiệp là tổ chức phát hành, đánh giá xem doanh nghiệp có đáp ứng được tiêu chuẩn của trái phiếu xanh trước và cả trong quá trình phát hành.
Vì vậy, khi doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu xanh cần làm việc với các tổ chức tư vấn để tìm hiểu xem tiêu chí của trái phiếu xanh gồm những bộ tiêu chí nào để có sự rà soát, đối chiếu, qua đó đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí đó để phát hành.
Thực ra, tùy theo chiến lược của từng tổ chức phát hành trên thị trường, cũng như mỗi quốc gia có lựa chọn khác nhau nhưng về cơ bản, việc phát hành trái phiếu xanh là khả thi với các doanh nghiệp nếu họ có sự quan tâm thực sự.
Phóng viên: Ông có nhắc đến tổ chức xếp hạng tín nhiệm, vậy, vai trò của các đơn vị này là như thế nào đối với thị trường vốn?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Quan sát trên thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung ở các nước phát triển, có thể thấy rằng, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Xếp hạng tín nhiệm là thông lệ quốc tế, được áp dụng phổ biến ở tất cả các thị trường tài chính nhằm tăng tính minh bạch trong vận hành thị trường vốn nói chung và thị trường vốn nợ nói riêng, góp phần tạo sự kết nối giữa các nhà đầu tư với các tổ chức phát hành.
Đối với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm giúp cho định giá hiệu quả trái phiếu nói riêng và công cụ nợ nói chung. Đây sẽ là những thông số quan trọng để giúp cho nhà đầu tư an tâm giao dịch.
Đứng từ góc độ các tổ chức phát hành, xếp hạng tín nhiệm giúp cho doanh nghiệp biết và hiểu họ đang ở đâu trên thị trường, từ đó có thể quyết định đưa ra mức lãi suất phù hợp, cũng như xem xét điều kiện phát hành có thuận lợi hay không. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường vốn với chi phí thấp hơn.
Về phía cơ quan quản lý, thông qua xếp hạng tín nhiệm có thể thấy được thực trạng hoạt động của thị trường một cách rõ ràng hơn, từ đó có giải pháp phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường vốn nợ nói riêng một cách hiệu quả hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!