Xu hướng giảm lãi suất cho vay


Làn sóng giảm lãi suất cho vay tiếp tục lan rộng trong hệ thống ngân hàng, với mức giảm từ 1-3%/năm. Giới chuyên môn đánh giá, đây là động thái cần thiết cho thấy những nỗ lực của ngành Ngân hàng cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Đến nay, đa số các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất từ 1 - 2%, thậm chí có những ngân hàng giảm tới 3% so với mức công bố trước đó.
Đến nay, đa số các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất từ 1 - 2%, thậm chí có những ngân hàng giảm tới 3% so với mức công bố trước đó.

Thống kê từ thị trường cho thấy, lãi suất cho vay đang giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 2/2023. Đến nay, đa số các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất từ 1 - 2%, thậm chí có những ngân hàng giảm tới 3% so với mức công bố trước đó.

Giảm lãi suất không còn là thiểu số

Có thể thấy, trong các đợt giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước luôn đi đầu và lần giảm lãi suất này cũng không ngoại lệ. Sau khi các NHTM có vốn nhà nước tiên phong giảm lãi suất, các NHTM cổ phần cũng tích cực hưởng ứng.

Cụ thể, cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo triển khai gói cho vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có trị giá 20.000 tỷ đồng, với mức giảm lãi vay tối đa lên tới 3%/năm so với biểu lãi suất hiện tại của ngân hàng.

Bên cạnh đó, ACB còn giảm tối đa 2%/năm lãi suất cho khách hàng vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi có giao dịch tại ngân hàng.

Riêng với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, ACB cho biết sẽ dành thêm 2.000 tỷ đồng cho Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Trước ACB, hàng loạt NHTM cổ phần cũng công bố giảm lãi suất cho vay với các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ phát sinh mới và dư nợ hiện hữu, ví như: Techcombank, VPBank, Sacombank, SeABank, MB, LienVietPostBank, TPBank, KienlongBank, Nam A Bank…

Đơn cử như MB triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất.

Techcombank đang có triển khai gói tín dụng có trị giá 30.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất 2%, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng lĩnh vực sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.

VPBank vừa dành ra 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay sẽ được giảm từ 0,5% - 1,5%/năm, tùy theo tình hình kinh doanh thực tế của từng doanh nghiệp.

SeABank vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi có trị giá 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh.

Sacombank cho khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, với mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm.

Đồng thời, áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu.

Tại LienVietPostBank triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Hay TPBank có chương trình ưu đãi lãi suất, thúc đẩy tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn và một số lĩnh vực ưu tiên khác.

KienlongBank cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi giảm lãi vay cho khách hàng từ 1- 2% cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Nam A Bank vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi với hạn mức tối đa 3.000 tỷ đồng cho khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay hiện hành.

Trước đó, các NHTM có vốn nhà nước cũng triển khai các gói tín dụng có giá trị lớn và ưu đãi cả về lãi suất, ví như: BIDV dành 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu.

Ngoài ra, BIDV còn áp dụng giảm thêm 0,2 - 0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; hay tại Agribank, những khách hàng có dư nợ vay bất động sản tại thời điểm từ ngày 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế, sẽ được xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Ví dụ khoản vay kinh doanh bất động có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ…

Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023

Với việc các ngân hàng liên tiếp triển khai các gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất cho vay giảm khá mạnh, giới chuyên môn kỳ vọng lãi suất cho vay có thể tiếp tục “hạ nhiệt” trong thời gian tới,  nhất là khi áp lực tăng lãi suất từ thị trường thế giới giảm bớt. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi cũng giúp kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Ở bên ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp mức tăng lãi suất điều hành xuống 0,25 điểm % trong cuộc họp chính sách mới nhất (ngày 1/2/2023) sau một năm với những bước tăng lớn hơn.

Cho dù Chủ tịch Fed phát biểu rằng còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu lạm phát cũng như có thể sẽ có thêm một vài đợt nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới nhưng thị trường vẫn tin rằng “Chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc”.

Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành thêm tổng cộng 50 điểm cơ bản tại hai cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 và tháng 5 tới (mỗi lần 25 điểm cơ bản), rồi ngừng tăng lãi suất sau đó. Như vậy, thị trường kỳ vọng đỉnh chu kỳ tăng lãi suất của Fed là 5,25%, không thay đổi so với dự báo trước đó.

Ở trong nước, xu hướng tăng của lãi suất có thể tiệm cận điểm đảo chiều trong quý I/2023. Trong một báo cáo vừa công bố, VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động đạt đỉnh vào quý I/2023 và hạ nhiệt kể từ quý II/2023, dựa trên các lập luận sau:

Thứ nhất, lãi suất điều hành của Fed đạt đỉnh vào quý II/2023, giúp giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất của Việt Nam;

Thứ hai, NHNN sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối;

Thứ ba, nhu cầu tín dụng chậm lại do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. “Chúng tôi hạ dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 7,5%/năm vào cuối năm 2023, thấp hơn dự báo trước đó là 8,0-8,5%/năm”, VNDirect dự báo.

Bên cạnh đó, trong động thái nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế NHNN cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.

Do đó, VNDirect cho rằng: “sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai”.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, áp lực từ Fed tăng lãi suất không còn quá lớn nữa, kể từ quý II trở đi có thể mặt bằng lãi suất trong nước sẽ giảm dần, thanh khoản trong hệ thống được cải thiện, điều kiện kinh doanh chung của các doanh nghiệp trong nước cũng như thế giới được cải thiện có thể đó sẽ là thời điểm chúng ta thấy tình hình cải thiện.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo: “trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023”.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Chính phủ tổ chức mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Theo Lan Nguyễn/thitruongtaichinhtiente.vn