Xu hướng giám sát thị trường tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Trong thời gian qua, kinh tế - tài chính thế giới trải qua một thời kỳ đầy biến động bởi tác động của đại dịch Covid-19. Các hoạt động của nền kinh tế thực như thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất - kinh doanh… bị đứt gãy, đình trệ và suy giảm mạnh trên quy mô toàn cầu do hoạt động giãn cách xã hội diễn ra rộng khắp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường tài chính thế giới có những biến động mạnh và hầu hết ngân hàng trung ương các nước phải giảm mạnh lãi suất điều hành. Để hạn chế các tác động tiêu cực, chống đổ vỡ và đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, nhiều quốc gia đã điều chỉnh cơ chế quản lý, giám sát thị trường tài chính.

Thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929-1933; gây khủng hoảng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội.

Thị trường tài chính toàn cầu cũng chịu tác động mạnh do những lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch Covid-19. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD giảm giá khá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt và dự báo tiếp tục duy trì xu hướng giảm về dài hạn; trong khi vị thế của đồng NDT được nâng cao do nhu cầu nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng mạnh (Theo Economist, tính đến hết tháng 12/2020, USD-index giảm 6,69% so với đầu năm.

Theo dự báo của Ngân hàng ING (Hà Lan), năm 2021, đồng USD có thể giảm giá thêm 5-10%). Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu sụt giảm nhanh và mạnh trong quý I/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt trong tháng 3/2020 (từ 9-16/3, TTCK Mỹ đã trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 và đã 3 lần phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch. Trong ngày 12/3, có đến 10 quốc gia ngoài Mỹ kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch); tuy nhiên, đã phục hồi ấn tượng từ quý II/2020 đến nay.

Trên thị trường ngân hàng, lãi suất thấp cùng với tác động của đại dịch Covid-19 khiến chất lượng tài sản hệ thống suy giảm, nợ xấu gia tăng, tăng trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, xuất hiện một số nguy cơ bất ổn, tiềm ẩn rủi ro với thị trường tài chính toàn cầu: gánh nặng nợ và thâm hụt ngân sách tăng mạnh; sự đảo chiều, sụt giảm dòng vốn từ bên ngoài, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; và tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm thị trường tài sản do ảnh hưởng suy thoái nền kinh tế thực.

Những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới, tiếp tục diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa sớm kết thúc, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang năm 2021 và các năm tiếp theo, sẽ dẫn tới những rủi ro lớn về tài chính, tiền tệ, nợ công.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp điều hành quyết liệt, phi truyền thống để hỗ trợ nền kinh tế: Chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng trên phạm vi toàn cầu; đặc biệt, một số nước đã nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ; Bên cạnh đó, hầu hết các nước tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa để kích cầu, đề cao vai trò của Nhà nước trong việc chống lại suy thoái kinh tế, tạo việc làm, bất chấp thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao.

Đồng thời, các cơ quan giám sát tại nhiều quốc gia có xu hướng điều chỉnh chính sách, phương thức giám sát nhằm hỗ trợ các định chế tài chính, nhằm mục tiêu duy trì niềm tin vào hệ thống tài chính, cũng như củng cố sức chống chịu của hệ thống tài chính, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Xu hướng giám sát thị trường tài chính trên thế giới trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh mới, phản ứng chính sách và xu hướng giám sát thị trường tài chính thế giới có những điều chỉnh, thay đổi diễn ra trên cả 03 trụ cột của thị trường tài chính là khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực ngân hàng

Những điều chỉnh của các cơ quan giám sát trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm:

Thực hiện nhanh một số biện pháp ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thứ nhất, khai thác sự linh hoạt trong khuôn khổ giám sát và các quy định trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu và đảm bảo sự nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể: Cho phép giảm đệm vốn sẵn có (như EU, Hồng Kông, Malaysia…); cho phép khôi phục các đệm vốn trong thời gian phù hợp, có thể sử dụng đệm thanh khoản, nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ về khả năng thanh khoản (như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines…); tạm thời hạn chế phân bổ vốn thông qua chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu quỹ, thưởng… như Singapore. Tuy nhiên, sự linh hoạt phải đáp ứng các quy định an toàn tối thiểu, các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi. Điều này đảm bảo niềm tin vào hệ thống ngân hàng, sự lành mạnh của các định chế tài chính và sự ổn định của hệ thống tài chính được duy trì trong trung và dài hạn.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ đối tượng vay vốn và khu vực kinh tế bị ảnh hưởng thông qua việc cung cấp các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, chương trình bảo lãnh công, gia hạn các khoản nợ và cơ cấu lại nợ như Hồng Kông, Indonesia… nhưng vẫn phải tuân thủ giới hạn về thời gian, có trọng tâm để đảm bảo chỉ tập trung vào các doanh nghiệp/đối tượng có khả năng thanh toán nợ trong tương lai.

Thứ ba, hướng dẫn về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn và hạn chế nới lỏng quy định về xác định nợ xấu như: Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia… Các cơ quan giám sát theo dõi việc thực hiện các biện pháp về xử lý nợ, tái cơ cấu và gia hạn nợ, đồng thời đảm bảo các tổn thất dự kiến được nhận diện kịp thời; xem xét các kịch bản khác nhau khi đánh giá mức độ tin cậy của đối tượng vay vốn và ước tính dự phòng tổn thất.

Thứ tư, rà soát các ưu tiên giám sát và duy trì đối thoại chặt chẽ với các ngân hàng. Một số cơ quan giám sát đã trì hoãn thời gian áp dụng Basel III như Hồng Kông, Singapore, Indonesia…; hoặc tạm hoãn áp dụng một số quy định cụ thể về năng lực hấp thụ thua lỗ tổng thể, rủi ro lớn, tỷ lệ tài trợ ổn định thuần, yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và các quy định kế toán; cho phép gia hạn đối với các yêu cầu giám sát thận trọng vĩ mô, tạm hoãn báo cáo không trọng yếu hoặc kiểm định sức căng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia...

Thứ năm, tăng cường hợp tác với các cơ quan giám sát khác cả trong và ngoài nước nhằm đảm bảo ổn định tài chính, thúc đẩy trao đổi thông tin ở mọi cấp, đảm bảo khả năng cung cấp nguồn tài trợ cho nền kinh tế của hệ thống tài chính.

Điều chỉnh hoạt động giám sát phù hợp với tình hình mới Việc áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn và hạn chế đi lại đã cản trở việc sử dụng nhiều công cụ và thông lệ giám sát trước đây (như thanh tra tại chỗ hoặc thanh tra mô hình nội bộ), do đó thúc đẩy nhiều cơ quan giám sát thay đổi phương thức và hoạt động giám sát. Cụ thể:

- Giảm các cuộc thanh tra tại chỗ, trong khi tăng cường thanh tra, giám sát từ Thực hiện một số cuộc thanh tra từ xa và kiểm tra mô hình kiểm soát nội bộ từ xa để phát hiện và có biện pháp điều chỉnh, khắc phục những yếu kém/hạn chế lớn của các ngân hàng.

- Thực hiện phân tích tính dễ tổn thương của các ngân hàng thuộc phạm vi giám sát để đánh giá tác động tiềm tàng của cuộc khủng hoảng lần này đến bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Áp dụng hướng tiếp cận thực dụng trong quá trình thiết lập các yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng, đặt trọng tâm vào cách thức các ngân hàng xử lý các thách thức và rủi ro về vốn và thanh khoản phát sinh do khủng hoảng.

- Điều chỉnh khung khổ cảnh báo sớm để xác định hành động giám sát đối với các ngân hàng cụ thể dựa trên mức độ xấu đi của các chỉ tiêu tài chính; giám sát vị thế thanh khoản trên cơ sở trọng tâm và thường xuyên hơn; yêu cầu báo cáo định kỳ về một số rủi ro trọng yếu khác (ví dụ rủi ro công nghệ thông tin).

- Khuyến khích các ngân hàng tăng cường giám sát các chỉ số phục hồi và xây dựng các phương án phục hồi để có thể thực hiện nhanh chóng trong trường hợp khủng hoảng xấu đi.

Thiết kế khung giám sát phù hợp với giai đoạn “bình thường mới”

ECB là tổ chức đi đầu trong việc thiết kế khung giám sát phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”, trong đó nhấn mạnh 4 khía cạnh quan trọng, bao gồm: Thứ nhất, cải thiện bảng cân đối tài sản. Trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng cao, các cơ quan giám sát có thể linh hoạt các chính sách liên quan nhằm giúp các ngân hàng ứng phó với tác động suy giảm kinh tế. Cơ quan giám sát có thể yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ rủi ro tín dụng và có chiến lược để phát hiện sớm các rủi ro. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, thường xuyên duy trì liên hệ để xác định cách thức xử lý nhanh các tài sản ngân hàng suy giảm giá trị.

Thứ hai, nghiên cứu ban hành hướng dẫn, làm    rõ hướng tiếp cận giám sát đối với hợp nhất ngân hàng, cách thức ứng xử với thực thể mới. Các cú sốc từ đại dịch Covid-19 có khả năng đẩy nhanh một số xu hướng giám sát đã hình thành từ trước (xu hướng số hóa), đồng thời tạo thêm thách thức về khả năng sinh lợi và rủi ro. Việc hợp nhất ngân hàng có thể là cách hiệu quả để xử lý các thách thức. Hiện ECB đã dự thảo về hướng tiếp cận giám sát đối với trường hợp hợp nhất trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt tập trung vào cách thức vận dụng các công cụ giám sát hiện có để đánh giá các khía cạnh an toàn của việc hợp nhất ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục củng cố các khuôn khổ về quản lý khủng hoảng và xử lý ngân hàng. Trong đó, chú trọng phát triển khuôn khổ về xử lý và giải thể ngân hàng ở cấp độ khu vực để tạo sân chơi bình đẳng.

Thứ tư, thận trọng để tránh xảy ra vòng xoáy nợ - cứu trợ giữa Chính phủ và ngân hàng. Mặc dù được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần tránh sự tham gia “quá mức” của Chính phủ; đồng thời, cần xem xét thời điểm và lộ trình rút dần các biện pháp này để tránh ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đối với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) biến động mạnh (khối lượng giao dịch cao bất thường, số lượng nhà đầu tư mới tăng đột biến...) tạo ra thách thức cho các nền tảng giao dịch cũng như công tác quản lý, phòng ngừa rủi ro của các cơ quan liên quan. Nhiều cơ quan quản lý đã sử dụng tương đối hiệu quả các công cụ sẵn có của thị trường và các mệnh lệnh hành chính (thiết bị ngắt mạch, kiểm soát biến động, cơ chế tạm ngừng giao dịch...). Tuy nhiên, ngoài các biện pháp mang tính “kỹ thuật”, để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho thị trường, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, rủi ro hệ thống, một số giải pháp được áp dụng và được khuyến nghị:

Một là, yêu cầu các thành viên thị trường cung cấp thông tin kịp thời đối với các sự kiện bất thường. Các yêu cầu công bố thông tin đối với các tổ chức phát hành là đặc biệt quan trọng trước tác động của đại dịch đối với doanh thu và lợi nhuận của công ty. Các cơ quan quản lý cũng đang phải đối phó với tình trạng chậm công bố thông tin, báo cáo và các vấn đề khác ảnh hưởng đến các công ty đại chúng và các tổ chức được giám sát.

Nhiều cơ quan quản lý và giám sát đã ban hành các văn bản hoặc hướng dẫn về cách thức ứng phó với tác động của đợt bùng phát dịch, cũng như các biện pháp cụ thể nhằm khôi phục hoạt động của thị trường và hạn chế việc giảm giá một cách hỗn loạn.

Hai là, các cơ quan quản lý cần phản ứng nhanh để đảm bảo các mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư; thị trường công bằng, hiệu quả và minh bạch và ổn định tài chính. Một số TTCK cho phép các công ty đại chúng lùi thời hạn tổ chức so với quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đảm bảo các kênh liên lạc và cơ sở hạ tầng thông suốt liên tục nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của thị trường, đồng thời nhanh chóng xác định các thay đổi nào cần được chú ý khẩn cấp. Các cơ quan quản lý cũng sẵn sàng sử dụng mọi quyền hạn để hỗ trợ bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo công bằng, hiệu quả và minh bạch thị trường và ổn định hệ thống tài chính.

Ba là, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng, kiểm soát rủi ro trong điều kiện làm việc từ xa làm tăng nguy cơ rủi ro an ninh mạng. Việc các tổ chức, cá nhân phải chuyển sang làm việc tại nhà và chuyển phần lớn hoạt động kinh doanh của mình sang nền tảng  kỹ thuật số đã làm tăng đáng kể nguy cơ bị tấn công mạng, khiến các giao dịch và công tác quản trị trở nên rủi ro hơn. Vì vậy, các cơ quan giám sát, các nhà quản lý cần đảm bảo truy cập từ xa an toàn và bảo  vệ quyền truy cập vào các hệ thống giao dịch. Đồng thời, yêu cầu các thành viên thị trường có những biện pháp tương tự để đảm bảo an toàn trước rủi     ro an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như an toàn của hệ thống.

Bốn là, tăng cường hoạt động giám sát tuân thủ  và giám sát rủi ro thông qua việc giám sát chặt chẽ các vi phạm quy định về ký quỹ (Mỹ, EU…); Xử lý khi xảy ra hiện tượng thành viên thanh toán bù trừ gặp vấn đề (Nhật Bản - tháng 10/2020); Chuẩn bị kịch bản ứng phó trong trường hợp giá cả biến động mạnh (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Các cơ quan quản lý cũng tính đến sự đánh đổi giữa điều chỉnh về ký quỹ động (có khả năng thuận chu kỳ) trong giai đoạn thị trường căng thẳng và áp dụng cẩn trọng mức ký quỹ cao hơn trong các giai đoạn bình ổn (Ấn Độ, Trung Quốc…). Hình thức giám sát cũng có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng cường hoạt động giám sát từ xa, giám sát rủi ro; linh động hơn đối với một số quy định tuân thủ (cho phép lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông, lùi thời hạn nộp báo cáo….); và áp dụng những quy tắc, chuẩn mực mới trong giai đoạn bất ổn kinh tế.

Năm là, cung cấp thông tin rõ ràng và kịp thời  cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm về các rủi ro thị trường. Các cơ quan quản lý (SEC-Mỹ, BOJ-Nhật Bản…) cung cấp thông điệp rõ ràng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít kiến thức thị trường về các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện tại. Việc các cơ quan quản lý chủ động cung cấp hướng dẫn và giải thích về các biện pháp nghiệp vụ như ngắt mạch, ngừng giao dịch… cho nhà đầu tư sẽ góp phần tránh áp lực giao dịch bán tháo. Công chúng được cảnh báo cũng thận trọng hơn trong các giao dịch để tránh trở thành nạn nhân của các âm mưu lừa đảo, rửa tiền.

Đối với thị trường bảo hiểm

Đại dịch Covid-19 cũng như nhiều yếu tố khác đã và đang tác động đáng kể đến hoạt động của lĩnh vực bảo hiểm, khiến cho hoạt động giám sát bảo hiểm có những hướng tiếp cận mới:

Thứ nhất, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm diễn ra liên tục (cung cấp dịch vụ bảo hiểm  qua mạng, làm việc từ xa…). Các  cơ  quan  giám sát bảo hiểm thực hiện giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch của các công ty bảo hiểm, nhằm giúp người tham gia bảo hiểm có thể tiếp cận đầy đủ các điều khoản bảo hiểm cũng như nộp các yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cũng được yêu cầu phải có những biện pháp chủ động nhằm giải quyết các điểm nghẽn trong việc cung cấp dịch vụ, rủi ro hoạt động.

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore xác định những công ty bảo hiểm có hoạt động chủ yếu được thuê ngoài, thực hiện bởi những nhà cung cấp dịch vụ đến từ các quốc gia chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch Covid- 19 để tăng cường giám sát. Cơ quan giám sát của    Bỉ, Colombia, Cộng hoà Séc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu các công ty bảo hiểm tăng cường cảnh giác trước những rủi ro an ninh mạng khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua Internet.

Ngoài ra, để giảm thiểu gánh nặng của các công ty bảo hiểm, các cơ quan giám sát đã hạn chế các hoạt động giám sát trực tiếp và chuyển sang giám sát từ xa (Pháp, Hàn Quốc, Singapore). Ở một số quốc gia, các công ty bảo hiểm được phép nới lỏng khung thời gian nộp các báo cáo, hồ sơ, kế hoạch hoạt động (Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp…).

Thứ hai, tăng cường quản lý rủi ro thanh toán và rủi ro thanh khoản. Tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, giá trị các khoản đầu tư đa phần giảm do những biến động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Vì vậy, các tổ chức giám sát yêu cầu các công ty bảo hiểm cung cấp cả dữ liệu định tính và định lượng liên quan đến tác động của đại dịch Covid-19. Ở một số nước, dữ liệu được thu thập tập trung về khả năng trả nợ, tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, rủi ro thanh khoản, lưu chuyển tiền tệ…(Italia, Singapore, Thuỵ Sĩ, Bermuda....).

Cơ quan giám sát bảo hiểm sử dụng các công cụ giám sát nghịch chu kỳ trong khi một số khác điều chỉnh các yêu cầu giám sát theo quy định liên quan đến tình huống khẩn cấp về y tế, bao gồm linh hoạt trong thực hiện các giới hạn đầu tư hoặc chuẩn mực kế toán (như Singapore, Canada, Thuỵ Sỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều quốc gia châu Âu khuyến khích các công ty bảo hiểm không trả cổ tức hoặc không mua lại cổ phiếu quỹ nhằm duy trì năng lực tài chính.

Thứ ba, hỗ  trợ người tham gia bảo hiểm. Các   cơ quan giám sát, các hiệp hội và các công ty bảo hiểm cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể dành cho người tham gia bảo hiểm về các lĩnh vực được  áp dụng, cũng như không được áp dụng phạm vi bảo hiểm đối với tổn thất liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, việc hỗ trợ thông qua ân hạn thanh toán phí bảo hiểm, gia hạn thời gian bảo hiểm, hoàn trả phí bảo hiểm được khuyến khích, hoặc yêu cầu bắt buộc bởi cơ quan giám sát bảo hiểm ở một số nước như: Singapore, Australia, Ai-len, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và một số bang của Hoa Kỳ….

Ngoài ra, có một số biện pháp hỗ trợ khác như: (i) Điều chỉnh phạm vi chi trả bảo hiểm; (ii) Cung cấp các quyền lợi bảo hiểm bổ sung cho các cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19; (iii) Cung cấp bảo lãnh chính phủ, hoặc tái bảo hiểm để đảm bảo phạm vi bảo hiểm đối với một số tổn thất khó bù đắp gây ra bởi dịch bệnh hoặc không được thị trường bảo hiểm tư nhân chi trả.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở những xu hướng mới về giám sát thị trường tài chính như đã đề cập ở trên, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, các cơ quan giám sát cần chuẩn bị sẵn các phương án và sẵn sàng thích ứng với tình hình mới. Theo đó, có thể chuyển sang thanh tra, giám sát từ xa để vẫn đảm bảo yêu cầu giám sát chặt chẽ các định chế tài chính và phát hiện rủi ro, đồng thời, tạo điều kiện cho các định chế tài chính trong việc tập trung xử lý các khó khăn do khủng hoảng gây ra. Cần có đánh giá về mức độ tác động của khủng hoảng đến hoạt động của các định chế tài chính, qua đó, xây dựng định hướng cho giám sát trong thời gian tiếp theo.

Trong đó, cần lưu ý đến rủi ro thanh khoản, rủi  ro về vốn của các ngân hàng cũng như một số rủi ro mới có thể phát sinh. Ngoài ra, cần giám sát, liên hệ chặt chẽ để đảm bảo các ngân hàng đều có kế hoạch phục hồi hoạt động và theo dõi việc thực hiện các kế hoạch này.

Thứ hai, nghiên cứu các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế cũng như kinh nghiệm thực tế của các nước để xem xét vận dụng trong bối cảnh Việt Nam. Trong trường hợp các bộ đệm vốn còn hạn chế, xem xét áp dụng các biện pháp khác để hỗ trợ các ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn lực cho vay ra nền kinh tế, đồng thời, đảm bảo khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng (ví dụ tăng vốn, hạn chế việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, mua lại cổ phiếu quỹ…).

Thứ ba, đảm bảo thông tin công khai, minh bạch và hướng dẫn các ngân hàng trong việc cơ cấu lại nợ vay bị tác động bởi khủng hoảng; tuy nhiên, chính sách phải rõ ràng về tiêu chuẩn, thời gian áp dụng và có tính tập trung, tránh dàn trải, tối thiểu hóa việc phát sinh rủi ro đạo đức và trục lợi từ chính sách.

Thứ tư, sự chủ động và sự chuẩn bị sẵn sàng cả từ phía cơ quan quản lý, cơ quan giám sát và các định chế tài chính có vai trò rất quan trọng, trong đó cần lưu ý xây dựng các kế hoạch đảm bảo hoạt động để duy trì hoạt động và cung cấp dịch vụ tài chính cũng như có kế hoạch, phương án quản lý rủi ro có thể phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Thứ năm, nâng cao năng lực giám sát của cơ quan giám sát thông qua việc xác định các rủi ro trọng yếu (rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro thanh toán, rủi ro an ninh mạng…), cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ khả năng giám sát từ xa, tăng cường tần suất giám sát thông qua việc quy định cung cấp thông tin tài chính một cách đầy đủ và liên tục, tăng cường phối hợp giám sát thông qua việc chia sẻ thông tin.                                                            

Tài liệu tham khảo:

  1. Agustin Carstens (2020), Supervisory priorities in the age of Covid and beyond, ASBA-BCBS-FSI high-level virtual session;
  2. Antonio Pancorbo, David Lukas Rozumek& Katharine Seal (2020), Supervisory Actions and Priorities in Response to the COVID-19 Pandemic Crisis, Special Series on Financial Policies to Respond to COVID-19;
  3. Awad et al (2020), Banking Sector Regulatory and Supervisory Response to Deal with Coronavirus Impact, Special Series on COVID-19;
  4. Kerstin af Jochnick (2020), Supervising the new normal;
  5. Narain et al (2020), COVID-19: The Regulatory and Supervisory Implications for the Banking Sector, IMF-World Bank staff position note;
  6. OECD (2020), Insurance sector responses to COVID-19 by governments, supervisors and