Xu hướng lãnh đạo “tài không đợi tuổi”
Sau khi Pháp có Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử, ít nhất 2 quốc gia châu Âu khác tái hiện kịch bản tương tự với sự nổi lên của những nhà lãnh đạo “tài không đợi tuổi”.
Trái tim nóng...
Cuộc bầu cử Quốc hội Áo coi như đã ngã ngũ dù hoạt động kiểm phiếu dự kiến ngày 19/10 mới hoàn tất. Với hơn 90% phiếu bầu được kiểm, thế giới đã có thể đón đợi vị thủ tướng “tài không đợi tuổi”: Sebastian Kurz - người cách đây 4 năm đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trẻ nhất thế giới khi mới 27 tuổi. Giờ đây ở tuổi 31, ông Kurz sẽ là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới. Ông ít hơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 2 tuổi và sinh sau Tổng thống trẻ nhất của Pháp Emmanuel Macron tới 8 năm.
Kể từ khi trở thành người đứng đầu đảng Nhân dân mới của Áo (OeVP) hồi tháng 5, chính trị gia trẻ tuổi có biệt danh Wunderwuzzi (người đi trên nước) đã thực hiện nhiều thay đổi đối với đảng trung hữu này. Đưa những ứng viên từ bên ngoài chính trường, trong đó có cựu vận động viên nhảy sào bị liệt cả tay chân và nhà tổ chức vũ hội ở Vienna, ông Kurz hứa hẹn “phong cách mới” cho nền chính trị nước Áo và tuyên bố sẽ khởi động lại nền kinh tế nước nhà.
Với vẻ ngoài điển trai không kém tài tử điện ảnh cùng phong cách làm việc mới mẻ, ông Kurz khi đó còn ở vị trí Ngoại trưởng, chỉ trong vòng 5 tháng đã đưa OeVP tiến thẳng lên vị trí hàng đầu, vượt qua hai đảng lớn truyền thống trên chính trường Áo là đảng Dân chủ Xã hội (SPO) và đảng Tự do (FPO).
Ở quốc gia láng giềng, một nhân vật trẻ tuổi cũng đang trở thành gương mặt đầy hứa hẹn trên chính trường Italy. Trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến tổ chức mới đây, chính trị gia Luigi Di Maio đã được chọn làm ứng viên Thủ tướng Italy của Phong trào Năm sao (Movimento 5 Stelle - M5S) trong cuộc bầu cử đầu năm tới.
Cách đây 4 năm, ông Di Maio từng được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện Italy. Ở tuổi 26, ông trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử Italy nắm giữ cương vị này. Nếu có thể tin tưởng vào các cuộc thăm dò thì cơ hội chiến thắng của ứng viên 31 tuổi này khá lớn.
Không tránh khỏi lời ra tiếng vào về kinh nghiệm chính trị có phần khiêm tốn, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ và kỹ năng giao tiếp nổi trội được thừa nhận là chìa khóa mở cửa thành công cho Luigi Di Maio. Với vẻ ngoài lịch lãm, gương mặt cương nghị pha nét Trung Đông, ông Di Maio đại diện cho một hình ảnh trẻ trung, ưa nhìn, hoàn toàn đối lập với sự gai góc của người sáng lập 69 tuổi của M5S - Beppe Grillo, người đã từ bỏ vị trí lãnh đạo M5S tháng trước.
Di Maio nổi lên cũng thần tốc như Phong trào M5S. Mới chỉ 5 năm trước, chàng trai trẻ này còn sống ở thị trấn nhỏ khu vực miền Nam nghèo nàn của nước Ý và vật lộn kiếm sống khi theo đuổi ngành luật tại Trường Đại học Naples.
Vậy mà các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Di Maio đang là chính trị gia nổi tiếng nhất của M5S và nằm trong số 3 nhân vật nổi bật trên chính trường đất nước hình chiếc ủng. Điều đó một phần nhờ cương lĩnh chính trị được lòng dân như thúc đẩy chế độ thu nhập cơ bản trợ giúp người nghèo, hủy bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy đầu tư công.
... và cái đầu lạnh
Điểm chung giữa hai chính trị gia trẻ tuổi (sinh năm 1986) và điển trai này không chỉ dừng ở đó. Cả hai đều nổi tiếng với quan điểm cứng rắn của cánh hữu.
Ứng cử viên Thủ tướng Italy Di Maio có quan điểm đặc biệt cứng rắn về luật pháp, trật tự và nhập cư. Mặc dù Phong trào M5S ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2009 đã tuyên bố không thuộc phe tả hay hữu vì việc phân chia là vô nghĩa, nhưng những quan điểm cứng rắn của ông Di Maio đã mặc nhiên khiến ông được xếp vào bên cánh hữu không chính thức của phong trào.
Đánh giá về Di Maio, chuyên gia Giovanni Orsina tại Trường Đại học Luiss ở Rome cho rằng: “Vị chính khách trẻ tuổi đã khẳng định được tài năng trong 5 năm qua. Ở trong tâm điểm của cuộc chiến chính trị, ông ấy luôn giữ một cái đầu lạnh”.
Trong khi đó, thành công của ngôi sao trẻ tuổi trên chính trường Áo một phần nhờ quan điểm cứng rắn trong vấn đề nhập cư, giúp ông có được phần lớn phiếu bầu từ cánh cực hữu. Khi còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Áo, ông Kurz nổi lên nhờ quyết tâm đóng cửa con đường di cư Balkan năm 2016 sau khi xảy ra tình trạng hàng loạt người nhập cư và tị nạn không giấy tờ từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu. Ông Kurz còn tuyên bố sẽ cắt trợ cấp đối với tất cả người nhập cư, kể cả từ các nước châu Âu, xóa bỏ nạn quan liêu của đất nước và ngăn EU can dự vào các vấn đề nội bộ.
Nỗi lo của EU
Đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, việc sẽ phải bắt tay với Chính phủ Áo của Sebastian Kurz trong năm nay hay Chính phủ Italy của Di Maio trong năm tới đều sẽ là cơn đau đầu mới khi khối này vẫn đang vật lộn với Brexit và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu ở một loạt quốc gia.
Tại Áo, việc không giành được thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khiến ông Kurz sẽ phải thành lập Chính phủ liên minh. Dựa vào lập trường và quan điểm của OeVP, giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng ông sẽ xây dựng liên minh với FPO của chính trị gia 48 tuổi Heinz-Christian Strache - vốn chia sẻ nhiều quan điểm cứng rắn với OeVP. Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên FPO bước vào chính phủ kể từ năm 2000.
Cũng giống như đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), vừa gây sửng sốt sau khi trở thành đảng lớn thứ 3 tại Quốc hội Đức, FPO được thành lập bởi những cựu thành viên Đức Quốc xã những năm 1950, có quan điểm chống nhập cư, bài EU và theo đuổi xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Vì vậy, một chính phủ cánh hữu có FPO có thể khiến Áo trở thành đối tác rắc rối của EU, nhất là khi Vienna sẽ nắm cương vị Chủ tịch EU vào nửa cuối năm 2018, đúng thời điểm Brussels và Anh phải chốt nhiều vấn đề cho tiến trình Brexit.