Xu hướng phân hóa của "cổ phiếu vua"
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, vì vậy câu chuyện đầu tư vào nhóm ngành này đang được giới đầu tư quan tâm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng có thể khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục như ba năm gần đây. Một trong những lý do là Ngân hàng Nhà nước sắp tới có thể sẽ không duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã được các công ty chứng khoán hạ dự báo về giá bên cạnh những dự báo về lợi nhuận không mấy tích cực.
Hạ khuyến nghị
Theo báo cáo mới nhất của CTCK Bản Việt (VCSC), cổ phiếu HDB của HDBank được đưa ra mức giá mục tiêu mới nhất là 31.800 đồng/cp, giảm gần 20% so với mức giá đưa ra trước đó và chỉ cao hơn mức giá hiện tại hơn 3,75% (30.650 đồng/cp).
VCSC cũng hạ khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường với tổng mức sinh lời dự báo là 3% do dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn đối với HDSaison và lợi suất cho vay ngân hàng mẹ không mấy khả quan.
“Chúng tôi điều chỉnh tăng nhẹ 0,7% dự báo lợi nhuận 2018 vì chi phí dự phòng giảm sẽ bù đắp được dự báo thu nhập lãi thuần giảm 12,7%”, báo cáo của VCSC cho biết.
Tương tự, cổ phiếu BID của BIDV cũng bị hạ khuyến nghị đồng thời điều chỉnh giá mục tiêu về gần mức giá hiện tại (33.700 đồng/cp), giảm gần 15% so với mức khuyến nghị trước đó do lo ngại về chi phí huy động và tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trong năm 2019.
Bên cạnh điều chỉnh giá, VCSC cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2018 và 2019 của BIDV do dự báo thu nhập lãi thuần giảm lần lượt 8,7% và 11,7%. Đồng thời tăng chi phí dự phòng 5,5% cho năm 2018 và 4,5% cho năm 2019.
“Chúng tôi nhận thấy nợ đã xử lý cũng như lãi lũy kế và các khoản phải thu trong tăng đáng kể 9 tháng đầu năm, cho thấy chất lượng tài sản có thể đi xuống tại ngân hàng”, VCSC nhận định.
Mặc dù vẫn giữ khuyến nghị mua, nhưng VCSC vẫn điều chỉnh mức giá mục tiêu của VCB (Vietcombank) giảm 12,5% so với khuyến nghị trước đó về mức 64.000 đồng/cp. Đồng thời đưa ra dự báo giảm nhẹ về lợi nhuận năm 2018 và 2019 lần lượt là 4,5% và 3%.
Cũng được khuyến nghị mua như VCB nhưng cổ phiếu TCB của Techcombank bị hạ dự báo giá mục tiêu xuống còn 34.600 đồng/ cp, tương đương giảm 20% so với trước đó; cổ phiếu VPB của VPBank giảm 19% khuyến nghị, hay cổ phiếu CTG của VietinBank điều chỉnh giảm gần 13% dự báo.
Vừa qua, CTCK HSC cũng hạ dự báo với cổ phiếu EIB của Eximbank từ mức giá mục tiêu là 18.000 đồng/cp xuống 14.700 đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 22,4%.
Lý giải về động thái hạ dự báo này, HSC cho biết, kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 cho thấy tiến độ tái cấu trúc còn chậm.
Định giá của một số cổ phiếu ngành ngân hàng giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018 |
Sẽ có sự phân hóa
Tại hội thảo Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong “mùa đông băng giá” của CTCP Biên An Toàn (chuyên về quản lý đầu tư và quản lý tài sản), ông Nguyễn Nhật Khánh, chuyên gia tư vấn ngành ngân hàng, nhận định trong thời gian tới, ngành ngân hàng gặp phải không ít thách thức gây ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và biên lợi nhuận.
Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019 là tiêu chuẩn Basel 2 khi được áp dụng chính thức, các nhà băng không thể dựa vào tín dụng mà phải chuyển qua hoạt động khác, kéo lợi nhuận giảm sút.
Thực tế, trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu gia tăng ở cả hai chiều huy động và cho vay. Tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2018 tại nhiều ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng và đạt mức cao nhất trong quý IV tới.
Tuy nhiên, hiện tại, nợ xấu vẫn được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ và chỉ thực sự là câu chuyện đáng chú ý ở một vài nhà băng cá biệt.
“Sự khác biệt trong mô hình kinh doanh, chất lượng tài sản và chiến lược kinh doanh sẽ khiến các cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa mạnh trong thời gian tới”, ông Khánh cho biết.
Theo tính toán của vị chuyên gia này, những điểm cần lưu ý về các ngân hàng ngoài các chỉ số về P/E, EPS, P/B, giá trị sổ sách (BVPS) còn có tỷ lệ tài khoản vãng lai và tiết kiệm (CASA), chỉ số huy động/cho vay (LDR)…
Hiện, “top 5” ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất là MB (mã: MBB), Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), BIDV (BID) và ACB (ACB).
Tỷ lệ CASA cao được cho là sẽ giúp các ngân hàng có được lợi thế về mặt chi phí huy động trong ngắn hạn khi mặt bằng lãi suất cho vay bắt đầu tăng.
Còn về chỉ số LDR, hiện VPBank đang dẫn đầu toàn hệ thống do đặc thù mô hình kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc cho vay lĩnh vực tiêu dùng. Điều này khiến VPB dẫn đầu ngành ngân hàng về tỷ lệ nợ quá hạn với 10,9% và tỷ lệ nợ xấu đạt tới 4,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của VPBank lại cao nhất trong ngành khi đạt tới 6,79% (giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018).
Một trong những yếu tố quan trọng của quyết định đầu tư là sức ảnh hưởng của chất lượng tài sản, có thể lấy ví dụ cổ phiếu VCB. Dù không thuộc nhóm dẫn đầu về các chỉ số như EPS, BVPS mà còn là một trong những cổ phiếu được định giá khá “đắt” với P/E và P/B lần lượt là 22,3 và 3,4 lần, nhưng cổ phiếu VCB vẫn luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài bởi nền tảng chất lượng tài sản tốt cùng với lợi thế quy mô trong ngành.
Tương tự, một cổ phiếu khác cũng khá hút dòng tiền là TCB, chỉ trong những phiên đầu tiên của tháng 12 đã có lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận đạt gần 119,4 triệu đơn vị, tương đương 131,6 triệu USD, gấp gần 7 lần so với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Khi được hỏi về triển vọng năm 2019, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là “cổ phiếu vua” hay không, ông Khánh cho rằng nếu lãi suất tăng quá, nợ xấu tiếp tục tăng thì cổ phiếu ngân hàng sẽ trở thành “tội đồ” của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong kịch bản tích cực, những đợt “sóng” lớn của thị trường chứng khoán năm 2019 thì cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là nhóm dẫn dắt.