Xu hướng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa khá tích cực
Theo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2018 vừa trình Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 là năm có số lượng DN thành lập mới lớn nhất với hơn 131.000 DN, số vốn đăng ký đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số lượng DN đăng ký mới và tăng 14,1% về vốn đăng ký so với năm 2017.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3,88 triệu tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017. Vốn đăng ký tiếp tục tập trung vào một số nhóm ngành như: kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, xây dựng…
Tính đến thời điểm ngày 20/12/2018, số DN đang hoạt động là 715.000 DN, trong khi số lũy kế DN đăng ký thành lập đến nay khoảng 1,3 triệu DN. Như vậy, tỷ lệ DN đang hoạt động đạt khoảng 55% tổng số DN đăng ký thành lập mới.
Đặc biệt, xu hướng phát triển của khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) khá tích cực. Đó là sự tăng trưởng về tỷ trọng của nhóm DN có quy mô vừa (tăng từ 2,52% năm 2016 lên 3,67% năm 2017) và nhóm DN quy mô nhỏ (từ 25,62% năm 2016 tăng lên 30,8% năm 2017). Bên cạnh đó, nhóm DN siêu nhỏ tuy vẫn tăng về số lượng, nhưng đã giảm về tỷ trọng từ 71,86% xuống còn 65,52% năm 2017. Hiệu quả hoạt động của khu vực DN dân doanh cũng có những tín hiệu khá tích cực với việc tăng tổng tài sản, giảm tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2019, số DN tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ, đạt 140.000 DN.
Cũng theo báo cáo này, đến cuối năm 2018, cả nước có 490 DN nhà nước hoạt động với 6 tập đoàn kinh tế, 55 tổng công ty nhà nước. Các DN nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh trong 11 ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Tổng tài sản ước đạt 1.848,3 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ước đạt 1.040,5 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu ước đạt 193.510 tỷ đồng; tổng lãi đạt 26.425 tỷ đồng. DN Nhà nước vẫn duy trì đóng góp từ 26 - 28% tăng trưởng kinh tế, là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.