Xu hướng quản trị nguồn nhân lực Vietcombank trong kỷ nguyên số

Nguyễn Hoàng Hà, Đặng Hoài Linh - Chi bộ 23, Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank

Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa để đáp ứng yêu cầu số hóa ngân hàng trong giai đoạn hiện nay... Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Vietcombank đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

 Vietcombank tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống
Vietcombank tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống

Xu hướng số hóa trong lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao

Mỗi ngành kinh tế, mỗi lĩnh vực xã hội, có một nguồn nhân lực đặc thù. Nguồn nhân lực trong ngành Ngân hàng nằm trong tổng thể nguồn nhân lực của quốc gia, nhưng có đặc thù riêng và trong xu thế hội nhập công nghệ số phát triển ứng dụng tại Việt Nam, thì các ngân hàng phải tập trung đầu tư công nghệ, số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng, nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc Cách mạng coonb nghiệp 4.0 (CMCN 4).

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là xu hướng tất yếu, là sự “sống còn” của mỗi ngân hàng. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế, 42% tổ chức tín dụng (TCTD) coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh. Trong thời gian ngắn cuối năm 2020, hàng loạt ngân hàng đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nâng cấp “app” thành siêu ứng dụng.  Từ đây cuộc chạy đua dẫn đầu lượt tải ứng dụng ngân hàng số đã diễn ra.

Để chuyển đổi số thành công và hiệu quả, ngoài việc đầu tư cho công nghệ và số hóa, thì mô hình tổ chức, thu hút nhân sự giỏi, có trình độ chuyên môn cao và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là bài toán khó đối với ngành ngân hàng.

Cần xây dựng những chuỗi liên kết từ việc xây dựng chính sách pháp lý cho hoạt động số hóa; Xem xét và xây dựng lại mô hình tổ chức để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử; Nghiên cứu, thay đổi các dịch vụ một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thời đại CMCN 4.0; Đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Theo đó yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn lực lao động…là yếu tố cần thiết đầu tiên.

Ban lãnh đạo Vietcombank chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm tác giả đạt Giải Nhất cuộc thi Đồi mới - sáng tạo và hội nhập của Vietcombank năm 2018.
Ban lãnh đạo Vietcombank chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm tác giả đạt Giải Nhất cuộc thi Đồi mới - sáng tạo và hội nhập của Vietcombank năm 2018.

 Công tác quản lý nguồn nhân lực của Vietcombank trong quá trình số hóa

Tại Việt Nam, hiện các ngân hàng đã ra đời Trung tâm Ngân hàng số, là nơi sản sinh các sản phẩm tiên tiến, hiện đại hướng tới khách hàng với trải nghiệm sáng tạo, tiên tiến. Để thu hút và đào tạo được nguồn nhân lực điều hành Trung tâm ngân hàng số, các ngân hàng đều có chính sách phù hợp về nhân sự, chất lượng cán bộ, là sự gắn kết lợi ích của người lao động với lợi ích của ngân hàng.

Công nghệ mới số hóa thực tế đã giảm một phần nhân sự của các ngân hàng, lao động cần ít hơn, nhưng lại đòi hỏi có chuyên môn cao hơn vừa am hiểu về tài chính ngân hàng, vừa am hiểu về công nghệ. Thực tế này, các ngân hàng đang đối diện với thực trạng “khát” nhân sự lĩnh vực công nghệ. Bài toán nhân sự ngân hàng Việt Nam hiện nay có các nhân sự am hiểu về tài chính ngân hàng nhưng chưa am hiểu về công nghệ và ngược lại. Ngân hàng nào cũng cần có đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, có chuyên gia giỏi để triển khai quá trình số hóa, do đó phải có chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ  nhân lực  chất lượng cao và chuyên gia chuyên ngành.

Từ xu thế này, nhu cầu tuyển dụng mảng công nghệ ngày càng tăng cao với mức lương cao nhất, đã diễn ra giữa các ngân hàng, như một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Điều này được thể hiện trong báo cáo của Tập đoàn Navigos, liên tục năm năm trở lại đây, các vị trí phát triển phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin, quản lý dự án công nghệ thường xuyên được các ngân hàng Việt chiêu mộ nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi. Việc tuyển ứng viên trong mảng công nghệ và dữ liệu do nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng thương mại với mức lương hấp dẫn đối với các cứng viên trong mảng công nghệ và dữ liệu cũng rất hấp dẫn đặc biệt nhân lực có chuyên môn Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận được mức lương cao nhất.

Vì sự thiếu hụt lao động chất lượng cao trong ngành ngân hàng, dẫn đến xu thế lựa chọn nhân sự nước ngoài, đang là bài toán mở trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Sự cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực, buộc các ngân hàng phải tự đổi mới về công tác nhân sự, song hành với công nghệ. Hiểu được xu thế của các ngân hàng bạn, để có giải pháp của mình, là lựa chọn đúng của ban lãnh đạo Ban lãnh đạo và Đảng ủy Vietcombank (VCB) đối với phát triển nhân sự trong quá trình số hóa, là khâu đột phá, nhân tố quyết định hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của VCB.

Tại VCB việc chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Với mục tiêu tăng cường năng lực số hóa cho cả hệ thống ngân hàng và trực tiếp đề xuất, triển khai các nền tảng số áp dụng công nghệ hiện đại. Tháng 08/2019, VCB thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và phê duyệt lộ trình chuyển đổi số gồm phát triển năng lực số và chuyển đổi nguồn nhân lực số. Với chiến lược chuyển đổi số đã được Ban lãnh đạo phê duyệt, VCB đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong công tác chuyển đổi số từ năm 2019 đến nay.

VCB là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam chính thức ra mắt “Không gian giao dịch công nghệ số - Vietcombank Digital Lab” vào ngày 28/3/2016. Tại thời điểm đó khách hàng có thể trải nghiệm các giao dịch ngân hàng thuận tiện như trên chính chiếc điện thoại hay máy tính cá nhân và tận hưởng cảm giác chạm vào thế giới của công nghệ “thật mà như ảo”.

Sau không gian gian dịch công nghệ số Digital Lab, VCB xác định việc xây dựng và phát triển kênh số là một quá trình liên tục để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, thói quen tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng trong thời đại 4.0. Đáp ứng yêu cầu này VCB đã thành lập bộ máy chuyên trách cho chiến lược Ngân hàng số. Ngày 01/12/2019 Trung tâm Ngân hàng số của VCB ra đời, với mục tiêu tăng cường năng lực số hoá cho cả hệ thống ngân hàng và trực tiếp đề xuất, triển khai các nền tảng số áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại những bước tiến lớn trong công cuộc số hóa.

Cuối năm 2019, VCB là ngân hàng đầu tiên triển khai thanh toán trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, mở ra cơ hội gắn kết, phát triển thanh toán điện tử giữa VCB với người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động hành chính, dịch vụ công. Tháng 3/2020, VCB tiếp tục ghi dấu nhờ việc tiên phong hợp tác với Cục cảnh sát giao thông mở rộng phạm vi thanh toán trực tuyến phí vi phạm giao thông và hợp tác với Tổng cục thuế triển khai dịch vụ thanh toán thuế cá nhân, lệ phí trước bạ trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (DVCQG). Giữa tháng 7/2020, VCB chính thức ra mắt dịch vụ VCB Digibank – dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới. Đây là nền tảng thanh toán đa kênh tích hợp dựa trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên Internet Banking và Mobile Banking.

Với những đổi mới số hóa đột phá trong năm 2020, VCB được vinh danh là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu năm 2020 tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ năm 2020.

Ông Pham Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank trao Giải Nhì cuộc thi Đổi mới - sáng tạo và hội nhập của Vietcombank
Ông Pham Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank trao Giải Nhì cuộc thi Đổi mới - sáng tạo và hội nhập của Vietcombank

Bài học kinh nghiệm và một số giải pháp về quản trị nguồn nhân lực của VCB

Nắm bắt được tầm quan trọng của nhân sự số hóa, cũng như cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng để thu hút người tài cho số hóa, VCB  đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu đãi đối cho nhân sự Trung tâm ngân hàng số. Ngoài các chế độ chung áp dụng cho các cán bộ khác, chế độ lương, đãi ngộ cho các cán bộ công nghệ, số hóa ưu đãi đặc biệt so với các vị trí khác của ngân hàng với mục tiêu thu hút nhiều nhân sự giỏi cho số hóa. Trung tâm Ngân hàng số có nhiều vị trí chuyên gia với mức lương hấp dẫn cho những nhân sự giỏi số hóa, đặc biệt cho các vị trí chuyên gia chuyển đổi số, chuyên gia thiết kế UI/UX, DevOps… dành cho số hóa.

Từ năm 2020 đến nay, VCB đã tuyển dụng liên tục rất nhiều nhân sự cho hoạt động công nghệ và số hóa với hơn 50 vị trí cho Trung tâm ngân hàng số, hàng chục vị trí cho nhân sự công nghệ thông tin ngân hàng.

Với ưu thế là ngân hàng duy nhất có mặt trong 500 ngân hàng hàng đầu Thế giới cho Tạp chí The Banker công bố về môi trường làm việc tốt nhất với môi trường năng động và vô cùng sáng tạo và có mức thu nhập bình quân cao trên thị trường lao động, VCB có lợi thế lớn trong công tác tuyển dụng nhân sự tốt, chất lượng cao.

Quá trình chuyển đổi số tại VCB có sự góp phần lớn của nhân tố con người, tư duy đổi mới của cán bộ. Năm 2018, từ cuộc thi sáng kiến “Đổi mới - Sáng tạo để phát triển và hội nhập” đã có hơn 1.000 sáng kiến đăng ký từ cấp cơ sở, trong đó, có 266 sáng kiến được lựa chọn tham gia cấp hệ thống. Năm 2019, VCB có gần 400 đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ, số nhiệm vụ khoa học và công nghệ dưới hình thức đề tài nghiên cứu cấp VCB tăng 26,7% so với năm 2018. Năm 2020, bên cạnh 4 đề tài khoa học cấp ngành được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ bổ sung gồm có có 5 đề tài cấp VCB, 1 sáng kiến, 1 hội thảo được Hội đồng khoa học VCB phê duyệt triển khai.

Nguồn nhân lực  chất lượng cao của VCB chính là lực lượng tiên phong trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới trên thế giới vào phát triển dịch vụ/sản phẩm của ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Hướng tới của VCB trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tổ chức hàng chục buổi đào tạo cho các cán bộ nghiệp vụ VCB về “Giới thiệu về dịch vụ VCB Digibank”; cập nhật kiến thức công nghệ mới về các sản phẩm dịch vụ mới của ngân hàng nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng (các dịch vụ trực tuyến dành cho khách hàng, dịch vụ VCB-iB@nking, mở tài khoản thanh toán trên kênh trực tuyến dành cho KHCN…), các hệ thống triển khai hiện đại và các dự án của ngân hàng; Xây dựng nhiều chương trình quản lý nhân sự hiện đại, áp dụng số hóa cho hoạt động nhân sự nhằm quản lý hiệu quả, nhanh chóng nguồn lực hiện có của ngân hàng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với năng lực cán bộ, chiến lược phát triển số hóa và tư duy Agile trong ngân hàng.

Thành công từ quyết tâm chuyển đổi số của VCB, với mục tiêu tăng cường năng lực số hoá cho cả hệ thống ngân hàng và trực tiếp đề xuất, triển khai các nền tảng số áp dụng công nghệ hiện đại và hướng đến mục tiêu đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, giữ vững là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Ngoài khả năng làm chủ công nghệ, ngân hàng, cán bộ nhân viên ngân hàng VCB ngày càng tiếp cận được tư duy toàn cầu, năng lực sáng tạo, sự nhạy bén và khả năng thích nghi linh hoạt của ứng viên trước sự thay đổi của CMCN4.0, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Để tiếp tục kế thừa và phát triển công nghệ số tại ngân hàng, VCB cần tiếp tục rà soát, kiện toàn mô hình tổ chức và tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình và phương thức kinh doanh mới của ngân hàng số theo hướng vận dụng tối đa công nghệ số hóa trong cơ chế quản trị nhân sự, tối ưu và nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt; Xây dựng khung năng lực cho các vị trí trong toàn hệ thống, gia tăng nhân sự ở các mảng công việc liên quan đến công nghệ, ra quyết định… giảm nhân sự trong các lĩnh vực tác nghiệp, lĩnh vực mà tự động hóa có thể thay thế.

Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng văn hoá ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng nhằm phát huy tính học hỏi, sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên trong tổ chức là một trong những chìa khoá thành công trong việc ứng dụng công nghệ số và cũng là một trong những cách giảm chi phí đầu tư trong hoạt động ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, VCB có chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số và các chính sách cải tiến nhằm thu hút lực lượng chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm triển khai, đào tạo quá trình chuyển đổi số tại VCB, xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, cởi mở nhằm khuyến khích các cán bộ sáng tạo trong công việc; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số ngân hàng.

Nhìn lại chặng đường số hóa trong những năm qua, VCB ghi nhận nhiều giải pháp tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, công tác quản trị, xây dựng chiến lược lâu dài về nguồn nhân lực chất lượng cao.