Xu hướng tăng trưởng phục hồi rõ nét
(Taichinh) - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã nhận định như vậy trong Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm vừa công bố mới đây.
Sở dĩ như vậy, theo NFSC là do tổng cầu chuyển biến tích cực và Công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ.
Sự chuyển biến tích cực của tổng cầu được thể hiện trên cả hai khía cạnh đầu tư và tiêu dùng.
Xét trên giác độ đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển quý 1/2015 tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng quý 1/2014 (3,8%). Đặc biệt, vốn đầu tư từ khu vực dân doanh tăng khá. Điều đó được phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng khi mà tính đến 20/4 tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 2,78%, trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng có 0,53%.
Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm cũng đạt tới 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư từ NSNN tính đến tháng 4/2015 cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 giảm 4,5%).
Trong khi đó, tiêu dùng cũng được cải thiện tích cực, tổng mức hàng hóa bán lẻ hànghóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm sau khi loại trừ yếu tố giá tănggần 8% so cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ 3 năm trước (cùng kỳ các năm 2012, 2013, 2014 tăng lần lượt là 6,1%; 4,6%; 5,5%).
Sự cải thiện tích cực của tiêu dùng còn được thể hiện qua chỉ số niềm tin tiêu dùng (ANZ) tháng 4/2015 ở mức 140,2 điểm, cao hơn 10,6 điểm so với cùng kỳ 2014 (chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4/2014 chỉ đạt 129,6 điểm); và cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 134,5 điểm trong suốt thời gian qua.
Đáng chú ý, theo NFSC, sự phục hồi mạnh mẽ của Công nghiệp và xây dựng là động lực chính của tăng trưởng. Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 4,8% của 4 tháng năm 2014. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ năm trước tăng 7,4%).
“Ngành xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản đều khởi sắc”, Báo cáo của NFSC cho biết và dẫn chứng: Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quý 1/2015 cao hơn 1 điểm % so với tốc độ tăng của cùng kỳ (4,40% so với 3,40%) và tăng trưởng hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ (2,55% so với 2,43%).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra một số thách thức cần quan tâm theo dõi. Thứ nhất là sự chậm lại của khu vực dịch vụ và nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng trưởng 2,14% trong quý 1/2015, thấp hơn so với mức 2,37% của cùng kỳ năm trước. Trong khi tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ quý 1/2015 cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014.
Thứ hai là xuất khẩu tăng trưởng chậm. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn nhiều mức tăng 16,9% của 4 tháng đầu năm 2014.
“Xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ do cả yếu tố giá và lượng”, NFSC nhận xét. Cụ thể, tính riêng quý 1/2015 chỉ số giá hàng xuất khẩu (tính theo đô la Mỹ) đã giảm 3,62% so với cùng kỳ. Nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì xuất khẩu cũng chỉ tăng 10,52%, vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ (13,2%).
Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 53,1 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 4 tháng đầu năm lên gần 3 tỷ USD, bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu – cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5%.