Xu hướng việc làm trên thế giới và giải pháp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
Hiện nay, các nền kinh tế trên thế giới đều đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, kéo dài. Suy thoái kinh tế toàn cầu và sự thay đổi về nhu cầu của thị trường lao động, do xu hướng việc làm thay đổi được coi là những nguyên nhân chính của tình trạng thất nghiệp. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi là một quốc gia có tốc độ mở cửa, hội nhập được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Nghiên cứu này làm rõ xu hướng việc làm và yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực trên thế giới, thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của giai đoạn mới.
Xu hướng việc làm thế giới và yêu cầu về nhân lực trong tương lai
Xu hướng việc làm thế giới trong 5 năm tới
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có tác động đặc biệt đến sự thay đổi của thị trường lao động các nước, dù mới bắt đầu nhưng nó đã và đang phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống ở rất nhiều nước. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào năm 2016 tại Thụy Sĩ, các nhà khoa học đã cảnh báo, dưới ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng vì sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động (Klaus, 2016).
Nhu cầu về lao động chất lượng cao tăng lên và nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ tay nghề bậc trung và thấp sẽ sụt giảm rất nhanh. Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 đã dự đoán, CMCN 4.0 sẽ tạo ra khoảng 2 triệu việc làm mới trong các ngành công nghệ cao và tự động hóa, nhưng sẽ làm biến mất khoảng 7 triệu việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông và lao động trình độ thấp (Klaus, 2016). Đến 2023, những dự báo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 đã trở thành hiện thực.
Báo cáo của Wold Economic Forum (WEF 2023) đã chỉ ra có hơn 85% các tổ chức tham gia khảo sát đã và đang thực hiện tăng cường áp dụng công nghệ trong đó mở rộng ứng dụng kỹ thuật số và chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Hơn 75% các công ty đang tìm kiếm để áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 5 năm tới. Chính vì vậy, các nhóm ngành nghề như phân tích dữ liệu lớn, công nghệ quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, mã hoá và an ninh mạng được đự báo là sẽ gia tăng nhu cầu mạnh mẽ nhất trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, sự thay đổi của công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp và trong đời sống kinh tế xã hội cũng được dự báo ảnh hưởng đến cấu trúc việc làm, cụ thể sẽ có khoảng 69 triệu công việc bị cấu trúc lại, khoảng 83 triệu công việc sẽ giảm rõ rệt tương ứng với khoảng 2% số lượng việc làm hiện nay sẽ biến mất vào năm 2027.
Bên cạnh khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh cũng được cho là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự ra đời các phương thức làm việc mới. Đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các công việc từ xa. Xu hướng chuyển đổi các phương thức sản xuất từ “nâu” sang “xanh” để bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai, cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Điều này cũng làm thay đổi đáng kể yêu cầu đối với việc làm nói chung, đặc biệt là nhóm việc làm liên quan đến ứng dụng công nghệ xanh. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), một kịch bản phục hồi tăng trưởng xanh có thể tác động làm tăng trưởng GDP toàn cầu thêm 3,5%, và tạo ra khoảng 9 triệu việc làm mới mỗi năm (IEA, 2020).
Trên toàn cầu, quá trình chuyển đổi xanh có thể tạo ra 30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ ít phát thải vào năm 2030 (ILO, 2021). Các chuyên gia trên thế giới ước tính đến năm 2030 chỉ riêng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Trung Quốc có thể tăng thêm 1,9 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế này và tạo ra 88 triệu việc làm mới. Vì vậy, ở cấp độ vĩ mô, các chính phủ sẽ ban hành nhiều chính sách để hướng thị trường lao động góp phần vào chuyển đổi mô hình kinh tế mới bền vững và có tính thích ứng với biến đổi từ môi trường (WEF, 2022).
Yêu cầu kỹ năng của người lao động trong 5 năm tới
Với những thay đổi từ môi trường kinh tế, xã hội và phương thức sản xuất, WEF (2023) ước tính trong 5 năm tới có khoảng 44% kỹ năng của người lao động sẽ cần được thay đổi để phù hợp với việc làm ở thời kỳ này. Các kỹ năng nhận thức được báo cáo là có sự thay đổi nhanh nhất, do nhu cầu ngày càng tăng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại nơi làm việc.
Trong các kỹ năng về nhận thức thì tư duy sáng tạo đòi hỏi phải được nâng cao nhanh hơn so với tư duy phân tích. Hiểu biết về công nghệ là kỹ năng cốt lõi và là đòi hỏi đứng thứ 3 trong số các kỹ năng cần điều chỉnh và phát triển. Bên cạnh đó, thái độ cảm xúc xã hội cũng được xếp vào nhóm các kỹ năng cần phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu công việc. Ham học hỏi và học tập suốt đời, có khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn; tự tạo động lực làm việc cũng là những kỹ năng được xếp vào nhóm đầu cần có sự thay đổi và phát triển nhanh mới đáp ứng được yêu cầu việc làm trong 5 năm tới.
Các kỹ năng về chuyên môn sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, quản lý tài năng, kỹ năng trong ngành dịch vụ, dịch vụ khách hàng là những kỹ năng nằm trong nhóm 10 kỹ năng cần phát triển hàng đầu. Trong khi đó, các kỹ năng được đánh giá là sẽ giảm mức độ quan trọng đối với người lao động trong thời gian tới là kỹ năng đọc, viết và tính toán; công dân toàn cầu; khả năng nhạy cảm; và sự khéo léo; sức bền và độ chính xác thủ công; quản lý chất lượng.
Với sự thay đổi nhanh chóng về các kỹ năng làm việc trong tương lai, các quốc gia cần chú ý vào hoạt động đào tạo người lao động và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy tư duy phân tích, tư duy sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo và tạo ảnh hưởng xã hội; năng lực khám phá và học tập suốt đời; quản lý và sử dụng AI và dữ liệu lớn; quản lý môi trường, tiếp thị và truyền thông; mạng và an ninh mạng.
Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam
Có thể khái quát những nét cơ bản về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, trình độ lực lượng lao động hạn chế, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động sẵn có đã qua đào tạo trên thị trường lao động của nước ta rất hạn chế qua các năm, trong đó năm 2022 đạt tỷ lệ cao nhất cũng chỉ chiếm 26,4% tổng lực lượng lao động (Hình 1).
Hình 1: trình độ đào tạo lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc (%) giai đoạn 2017-2022.
Trong những năm gần đây, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động chủ yếu ở các lĩnh vực không đỏi hỏi chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng cao như khai khoáng, khí đốt, quản lý rác thải, nước thải, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong năm 2021, lực lượng lao động trong các ngành đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật bậc cao rất ít chiếm 7,3%, kỹ thuật bậc trung chiếm 3,3%, lãnh đạo chiếm 1% trong tổng số việc làm trong nền kinh tế, trong khi còn số này đối với tổng số việc làm giản đơn là 25,7% (GSO, 2023).
Hai là, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp.
Ngay trong số lực lượng lao động đã qua đào tạo thì cơ cấu đào tạo cũng chưa cân đối, số lao động qua đào tạo đại học luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, còn đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề chiếm con số khiêm tốn (Hình 2).
Hình 2: Cơ cấu nguồn nhân lực đã qua đào tạo theo trình độ từ 2017-2021.
Lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề trong những ngành, lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững còn thiếu. Nhân lực đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Nhiều ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử đều đang thiếu hụt những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lành nghề (Ninh Thị Hoàng Lan, 2022).
Thị trường lao động ở nước ta hiện nay đang diễn ra sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Theo đó, những nghề nghiệp người lao động sẵn sàng tham gia với những nghề nghiệp mà thị trường có nhu cầu tuyển dụng đa phần không gặp nhau. Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2023) cho thấy, ngành nghề người lao động hiện đang tìm kiếm việc làm nhiều nhất là lao động giản đơn trong công nghiệp, trong khi đó trên thị trường lao động ngành nghề các doanh nghiệp tìm kiếm ứng viên tiềm năng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, và chuyên viên dữ liệu, truyền thông (Hình 3).
Hình 3: Mất cân đối cung cầu việc làm trên thị trường lao động năm 2022
Trên thực tế, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2023), quý I/2023, nhu cầu của thị trường lao động đối với lao động có chuyên môn bậc cao vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (Hình 4). Trong số các nhóm nghề này, những nghề dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng gồm: phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên về dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng và quản lý sản phẩm; tư vấn sức khoẻ và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khoẻ; cơ khí, điện tử và tự động hoá.
Hình 4: 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất quý I/2023
Ba là, chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo chưa cao.
Theo đánh giá của WEF (2018), Việt Nam là quốc gia có chỉ số nguồn nhân lực sẵn sàng đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xếp thứ 70/100; số lao động có kỹ năng chuyên môn cao xếp thứ 91/100, sếp sau các quốc gia như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2020), chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế.
Đồng thời, chất lượng giáo dục bậc đại học của Việt Nam cũng đứng trong nhóm cuối bảng xếp hạng, sau các nước láng giềng như: Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ta bậc đại học chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhân lực được đào tạo nghề chất lượng cũng không cao, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân của chất lượng nguồn nhân lực yếu kém hiện nay được nhiều nhà khoa học xác định là do hệ thống giáo dục đào tạo của nước ta lạc hậu và quá nặng về lý thuyết ở tất cả các cấp học, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, việc quản lý giáo dục ở tất cả các cấp cũng rất bất cập, thiếu sự gắn kết với yêu cầu của thị trường lao động. Sự kết nối nghiên cứu và phát triển (R&D) giữa các doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu công lập hầu như chưa có. Nguồn nhân lực, cốt lõi của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang tồn tại nhiều hạn chế do hệ thống giáo dục, đào tạo nặng về lý thuyết hoặc kiến thức quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Trong thời gian tới, nhu cầu về lao động chất lượng cao của nước ta sẽ tăng nhanh do quá trình chuyển đổi sang kinh tế số ở nước ta. Đến nay, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý về phát triển kinh tế số, hạ tầng số bao gồm phát triển hệ thống internet tốc độ cao, thực hiện xây dựng chính phủ số, doanh nghiệp số. Dự báo, đến năm 2030, Chính phủ kỳ vọng kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của nước ta (Ninh Thị Hoàng Lan, 2022). Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và phát triển nguồn lực nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu số hoá nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng là đòi hỏi tất yếu.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời gian tới
Với thực tế nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời gian tới gồm:
Một là, đẩy mạnh công tác dự báo, thống kê nhu cầu của các doanh nghiệp trong nền kinh tế về số lượng và kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn. Cần có những nghiên cứu cụ thể nhằm khảo sát đánh giá sự thay đổi của thị trường lao động hàng năm trên cơ sở đó đưa ra những dự báo về thị trường lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Hình thành hệ thống quản lý và lưu trữ dữ liệu số về thị trường lao động quốc gia. Trên cơ sở những dữ liệu này, Nhà nước có căn cứ khoa học để đưa ra những chính sách về tạo nguồn nhân lực tổng thể, dài hạn sát với nhu cầu của nền kinh tế. Từ kết quả nghiên cứu của WEF(2023), có thể sử dụng và thúc đẩy các hoạt động đào tạo trong nước để chuẩn bị cho thị trường lao động tương lai đó là tập trung vào các ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ mới và những ngành hướng đến phát triển năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo cho người lao động.
Hai là, thay đổi căn bản hệ thống giáo dục dậy nghề và đổi mới phương thức đào tạo ở bậc phổ thông trung học và bậc đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện trong thực tế khung trình độ quốc gia theo thông lệ thế giới và khu vực. Trong ngắn hạn, Bộ có thể cân nhắc việc xây dựng khung trình độ theo chuẩn mực khu vực; trong dài hạn, sẽ mạnh dạn đưa chuẩn mực thế giới làm căn cứ xây dựng khung trình. Khi xây dựng chuẩn đầu ra của các bậc học, cần có sự nghiên cứu và khảo sát thực tế yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước để đảm bảo sát với nhu cầu của nền kinh tế và phù hợp với chuẩn quốc tế. Thúc đẩy quá trình phân cấp cho các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở Chuẩn đầu ra theo hướng tăng dần sự tự chủ về tài chính, độc lập về phương thức đào tạo cho các cơ sở đào tạo, và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và các cơ quan sử dụng lao động. Làm được điều này, chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta sẽ được phát triển phù hợp với xu thế vận động chung của việc làm và yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp chung của thế giới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế và nhu cầu nhân lực của các nhà nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền và phân luồng đào tạo với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Hiện nay, trong các tầng lớp dân cư vẫn còn nặng nề quan điểm phải học đại học mới tốt, không coi trọng học nghề. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những biện pháp tuyên truyền, khuyến khích các đối tượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT chuyển sang đào tạo nghề để tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cho tương lai. Bên cạnh đó, cần rà soát và tổ chức lại mạng lưới các các sơ sở đào tạo nghề trên toàn quốc theo hướng mở, linh hoạt và đa dạng loại hình đào tạo, phân bổ hợp lý theo các ngành nghề thị trường có nhu cầu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo và quản lý của các cơ sở này để nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp ở nước ta.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2023), Số liệu thống kê về lao động, việc làm, https://www.gso.gov.vn/lao-dong/;
- Ninh Thị Hoang Lan (2022), Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4/2022;
- IEA (2020), Sustainable Recovery Report;
- ILO (2021), The importance of focusing on jobs and fairness in clean energy transitions;
- WEF (2023), Furture of Job Report 2023;
- WEF (2022), Seizing Business Opportunities in China’s Transition Towards a Nature-positive Economy;
- WEF (2018). Readiness for the Future of Production Report 2018;
- World Bank (2020), The Human Capital Index 2020 Update, Worldbank Report.