Xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu?

PV.

Ngày 25/07/2017, Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn 154/TANDTC-PC về hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, hướng tới việc áp dụng đúng và thống nhất quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao khi giải quyết các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa cần lưu ý những điểm sau:

Kể từ ngày 01/7/2015 đến ngày 01/01/2018, không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10.

Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/07/2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Khi miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ trong bản án lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự; người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn toàn bộ hình phạt; trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Những người đã chấp hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.

Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/7/2015 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, không xử lý về hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa.

Trong trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được thực hiện theo 7 trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ, thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát;

Thứ hai, trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định của pháp luật có liên quan để ra quyết định đình chỉ vụ án;

Thứ ba, trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên tòa sơ thẩm) căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định của pháp luật có liên quan để ra quyết định đình chỉ vụ án;

Thứ tư, trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định của pháp luật có liên quan và áp dụng khoản 2 Điều 107 và Điều 251 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm rà soát, báo cáo ngay người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, trường hợp đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và vụ án đang trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định của pháp luật có liên quan, khoản 2 Điều 107 và Điều 286 hoặc khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Thứ sáu, việc đình chỉ vụ án đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/07/2015 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 là đình chỉ về mặt trách nhiệm hình sự. Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc trong bản án lý do của việc đình chỉ là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được đình chỉ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thứ bảy, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển bản án, quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, việc xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.