Xử lý nợ hướng đến bền vững
Để xử lý nợ xấu, đẩy nhanh tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ngoài sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, yếu tố quyết định là nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Thời gian qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và phát huy tốt sức mạnh nội tại…
Tích cực xử lý nợ xấu
Điểm danh trên thị trường hiện nay, ngoài Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân (AMC) trực thuộc các ngân hàng thương mại chuyên xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng còn có DATC (thuộc Bộ Tài chính), chuyên xử lý nợ của DN nhà nước.
DATC với cách thức xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN được xem là khá sáng tạo và thực tế đến nay cũng chỉ có DATC đã thực hiện thành công hoạt động này ở Việt Nam. Cụ thể: Sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đã đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của DN để chuyển nợ thành vốn góp.
Sau khi trở thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cơ cấu DN như: Xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính… nhằm phục hồi từ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành DN hoạt động kinh doanh có lãi, Chính hiệu quả hoạt động của DN sẽ tạo nguồn trả nợ cho DATC.
Lũy kế từ năm 2007 - 2013, DATC đã tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 63 DN với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn là 709,292 tỷ đồng, trong đó đã loại trừ số vốn đã thoái tại một số doanh nghiệp. Các DN đã và đang được DATC tái cơ cấu như: Vinacafe, Vinataba, Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng miền Trung…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, trong hoạt động mua bán nợ, DATC đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 33 DN; doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 62,4 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Về thực hiện nghĩa vụ nhà nước, Công ty đã nộp ngân sách 68,3 tỷ đồng (trong đó 43,7 tỷ đồng nộp qua Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014.
Ngoài ra, DATC đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Ban đổi mới DN thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN. Đẩy mạnh xử lý tài sản và thu hồi nợ đã tiếp nhận. Tăng cường công tác quản lý đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DN khác theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm Công ty đã triển khai thực hiện thoái vốn tại 11/24 DN.
Mặt khác, DATC cũng đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao về xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Haprocimex.
Có thể nói, so với VAMC, cách thức xử lý nợ của DATC mang tính bền vững hơn, hỗ trợ DN tái cơ cấu để thu hồi nợ, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn cao. Trong khi đó, cách thức xử lý nợ của VAMC chủ yếu làm đẹp bảng cân đối kế toán, kéo dài thời gian dự phòng, nợ xấu luôn có nguy cơ quay lại bất cứ lúc nào.
Để giải quyết vấn đề nợ xấu trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy nhanh hình thành thị trường mua bán nợ, cải thiện hành lang pháp lý, mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia… thì cần học hỏi cách thức xử lý nợ của DATC. Có như vậy mới bán được nợ và nợ xấu được xử lý trọn vẹn.
Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư
Bên cạnh việc tham gia tích cực xử lý nợ, tái cơ cấu DN, trong thời gian qua DATC cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thoái vốn đầu tư tại các DN. Theo đó, nhiều DN được DATC thực hiện xử lý tài chính, tái cơ cấu, sau một thời gian trở lại hoạt động bình thường, DATC đã tiến hành thoái vốn. Đây là một trong những hoạt động bình thường sau khi sự mệnh “giải cứu” của DATC đã hoàn thành…
Đánh giá về kết quả thoái vốn của DATC, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Trong bối cảnh, tiến độ thoái vốn ngoài ngành chậm so với kế hoạch đặt ra do nhiều nguyên nhân, thì DATC vẫn thực hiện tốt việc thoái vốn mà đơn vị đã đầu tư vào các DN.
Ngay cả khi chỉ là tuân thủ thoái vốn đầu tư (không phải là thoái vốn ngoài ngành) như: DATC, SCIC đã rất tích cực và quyết đã và đang đầu tư hiệu quả. Như ở DATC, do tập trung rà soát các khoản vốn góp để thoái vốn theo quy định (kể cả các DN mới góp vốn từ các năm 2013, 2014), 6 tháng đầu năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại chín DN, doanh thu tăng gấp 16,5 lần so cùng kỳ.
Trong khi, số vốn tồn đọng tại khối ngân hàng thương mại, các DN bất động sản còn rất lớn mà tiến độ xử lý lại chậm. Đành rằng, các DN cần thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phức tạp, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị... thì sức ỳ từ cấp có thẩm quyền chỉ đạo vẫn là “nút thắt” mấu chốt.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến độ thoái vốn, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ mạnh tay hơn nữa đối với các đơn vị, lãnh đạo đơn vị chây ỳ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.
Tại DATC, xác định công tác thoái vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được thống nhất để ban lãnh đạo đến từng cán bộ, nhân viên. Cùng với đó, DATC đã duy trì thường xuyên mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại, Sở Giao dịch chứng khoán… để mở rộng phạm vi thỏa thuận hợp tác dài hạn nhằm hỗ trợ công tác mua bán, xử lý nợ, đầu tư, thoái vốn đầu tư.
Ngoài những kinh nghiệm và sự quyết tâm trong việc thoái vốn của DATC, theo Tổng giám đốc DATC Lê Hoàng Hải, để tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành đạt mục tiêu đề ra, phải kiên quyết siết chặt kỷ luật theo hướng đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, truy trách nhiệm người đứng đầu trước Chính phủ, Thủ tướng theo quy định. Bởi nếu không làm nghiêm, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty về đích rất khó đạt được…