Xử vụ nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp bảo lãnh vượt thẩm quyền
(Tài chính) Agribank lại vướng vào một tranh chấp bảo lãnh do sự vượt quyền, vi phạm quy định của giám đốc chi nhánh.
Đó là bảo lãnh mà Agribank - Chi nhánh Tây Hà Nội đã phát hành cho hợp đồng hợp tác giữa CTCP Đầu tư phát triển miền núi và CTCP Đầu tư và tư vấn Tràng An.
Hợp đồng này được ký từ năm 2011. Khi đó CTCP Miền núi là chủ đầu tư dự án khai thác, chế biến Feromangan tại bản Minh, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng với tổng kinh phí cho dự án là hơn 104 tỷ đồng. Do dự án lớn, nên CTCP Miền núi đã kêu gọi hợp tác với Công ty Tràng An.
Hai bên thỏa thuận, Công ty Tràng An góp vốn 12 tỷ đồng để Công ty Miền núi tổ chức sản xuất, kinh doanh, thời hạn góp vốn 12 tháng. Mỗi tháng Công ty Miền núi có nghĩa vụ trả lợi nhuận 240 triệu đồng và hoàn trả tiền gốc sau 12 tháng.
Agribank - Chi nhánh Tây Hà Nội phát hành chứng thư bảo lãnh vô điều kiện, không hủy ngang với tổng số tiền 14,88 tỷ đồng (bao gồm gốc và lợi nhuận), bên thụ hưởng là Công ty Tràng An.
Quá trình thực hiện, Công ty Tràng An đã chuyển tiền cho Công ty Miền núi. Về phía Công ty Miền núi đã trả lợi nhuận hàng tháng cho bên Tràng An được 11 tháng. Còn một tháng cuối cùng và số tiền gốc thì Công ty Miền núi không thanh toán.
Do đó, đến tháng 1/2013, Công ty Tràng An đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Miền núi phải trả số tiền gốc 12 tỷ đồng và lợi nhuận tạm tính (trong 7 tháng) đến khi khởi kiện là 1,68 tỷ đồng. Nếu Công ty Miền núi không trả thì đề nghị Tòa án buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là Công ty Miền núi thừa nhận có việc hợp tác kinh doanh, các thỏa thuận hợp tác cũng như khoản nợ. Nhưng do điều kiện khó khăn, Công ty này đề nghị Công ty Tràng An cho giãn thời gian trả nợ và đề nghị Agribank thanh toán bảo lãnh rồi Công ty có trách nhiệm với khoản tiền bảo lãnh của Ngân hàng.
Agribank đã phản đối yêu cầu thực hiện bảo lãnh. Theo Agribank, ngân hàng này có một số quy định về phân cấp phán quyết tín dụng trong hệ thống, chi nhánh này có mức phán quyết tối đa là 45 tỷ đồng và khách hàng Công ty Miền núi cũng chỉ được vay tối đa 45 tỷ đồng.
Khi đó, Chi nhánh này còn có nợ xấu trên 5%, Công ty Miền núi có nợ hơn 50,5 tỷ đồng nên theo quy định hồ sơ bảo lãnh của Công ty Miền núi sẽ phải trình hội sở chính phê duyệt.
Nhưng Giám đốc Chi nhánh lúc đó là ông Nguyễn Hữu Huấn đã không trình hội sở là trái với quy định. Ông Huấn phải tự chịu trách nhiệm với bảo lãnh của mình. Agribank không chịu trách nhiệm bảo lãnh này.
Được biết, tháng 9/2012, ông Huấn đã bị miễn chức vụ Giám đốc và hiện đi đâu Ngân hàng không rõ. Tòa án đã triệu tập, nhưng ông Huấn không có mặt ở địa chỉ cư trú, gia đình không biết đi đâu.
Tòa cấp sơ thẩm cho rằng, yêu cầu khởi kiện của Công ty Tràng An là có căn cứ, nhưng hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng góp vốn cùng đầu tư sản xuất kinh doanh cùng hưởng lợi nhuận. Khi không sản xuất kinh doanh nữa thì không có lợi nhuận. Do đó, không chấp nhận yêu cầu đòi tính lợi nhuận trong 7 tháng kể từ khi Công ty Miền núi ngừng thanh toán đến khi khởi kiện của Công ty Tràng An.
Tòa cấp sơ thẩm nhận định việc Agribank cho rằng bảo lãnh ký sai thẩm quyền, trái quy định, hồ sơ không còn lưu giữ ở ngân hàng nên ông Huấn phải chịu trách về bảo lãnh là không có cơ sở.
Theo Điều 618 Bộ luật dân sự, cá nhân trong cơ quan, tổ chức có hành vi làm trái quy định thì tổ chức phải chịu trách nhiệm về thiệt hại từ hành vi của cá nhân đó. Sau đó tổ chức có quyền yêu cầu cá nhân làm sai phải có trách nhiệm bồi hoàn.
Việc để hồ sơ thất lạc là lỗi của Ngân hàng. Ngân hàng cần rút kinh nghiệm.
Trên cơ sở đó, bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn, buộc Công ty Miền núi thanh toán số tiền 12,24 tỷ đồng. Nếu Công ty Miền núi không trả tiền, Agribank sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Không chấp nhận bản án sơ thẩm, Agribank đã kháng cáo.