Xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia trị giá hơn 1.440 tỷ đồng
Năm 2023, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia (DTQG) trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng.
Theo Tổng cục DTNN, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ.
Bộ Tài chính đã xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị DTQG trị giá trên 1.440 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng.
Ngành DTNN cũng đã thực hiện xuất cấp thiết bị, vật tư cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai gồm: 30 bộ xuồng; 1.220 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 159.730 chiếc phao cứu sinh các loại; 147 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ; 43 bộ máy phát điện các loại, 23 bộ thiết bị khoan cắt, 10 bộ thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh.
Bên cạnh xuất cấp kịp thời lương thực, thiết bị, vật tư DTQG, thời gian qua, ngành DTNN đã thực hiện tốt công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG.
Để tăng cường quản lý chất lượng gạo nhập kho DTQG năm 2023, Tổng cục DTNN đã có Văn bản số 1045/TCDT-KHCNBQ ngày 10/7/2023; tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng hàng DTQG kết hợp với kiểm tra hàng hóa mùa xuân, phong trào xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp và kiểm tra công tác bảo quản tại 12 cục DTNN khu vực.
Tổng cục DTNN cũng đã đôn đốc các đơn vị kiểm tra chất lượng hàng xuất kho, lập ghi chép hồ sơ chất lượng hàng theo quy định; qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và qua kiểm tra chất lượng hàng DTQG lưu kho, xuất kho đảm bảo theo quy định; tỷ lệ hao hụt thóc, gạo khi xuất kho đều thấp hơn hoặc bằng định mức quy định.
Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, Tổng cục đã hướng dẫn các đơn vị nhập, xuất, bảo quản đối với mặt hàng mới chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thực hiện kiểm tra chất lượng, quy trình lấy mẫu để kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại cơ quan chuyên môn theo tiến độ nhập hàng đối với mặt hàng phao tròn cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, thiết bị phóng dây cứu hộ...
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Tổng cục DTNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, cơ chế chính sách pháp luật về DTQG phục vụ công tác quản lý DTQG; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia; xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành 5 thông tư.
Cùng với đó, Tổng cục DTNN đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 theo đúng quy định; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt công tác xuất cấp hàng DTQG, năm 2024, Tổng cục DTNN chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG và chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Ngoài các nhiệm vụ trên, các đơn vị ngành DTNN tiếp tục tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.
Đồng thời, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, thẩm tra, thẩm định và trình ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do bộ, ngành quản lý...