Xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh mới: Thách thức và giải pháp
Thời gian qua, các đợt dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã khiến cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, xét về tổng thể, xuất khẩu vẫn đạt kết quả khá ấn tượng, tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. Bài viết trao đổi về thực trạng, thách thức của xuất khẩu Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất cho giai đoạn tới.
Xuất khẩu - động lực tăng trưởng kinh tế
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương, năm 2021, dù đối diện và chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch nặng nề nhất từ trước đến nay, khiến sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song về tổng thể, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng so với năm 2020. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Năm 2021, đã có 33 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng 2 thị trường so với năm 2020), 5 thị trường trên 10 tỷ USD, 11 thị trường trên 5 tỷ USD (tăng 3 thị trường so với năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Á đạt 159,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2020, chiếm 47,4% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Phi đạt 3 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2020, chiếm 0,9% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường lớn trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2020, trừ xuất khẩu sang các nước: Pháp, Hungary, Rumani, Litva, Estonia và Manta giảm.
Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu có ký hiệp định tự do thương mại (FTA) với Việt Nam đạt được kết quả tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng dương như xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%...
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%. Trong đó, riêng tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, nước ta có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%.
Trong nhiều năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm...
Nhận diện những thách thức
Tuy hoạt động xuất khẩu đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, song đến nay, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra có thể ảnh hưởng đến kết quả trong thời gian tới.
- Áp lực lạm phát tăng dần:
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng đứt gãy, khủng hoảng năng lượng, cung tiền nhiều ra nền kinh tế... đã khiến giá cả leo thang, gây ra lạm phát nghiêm trọng. Năm 2021, lạm phát được nhận định là mức đỉnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2021, tại khu vực các nền kinh tế phát triển, mức lạm phát đã tăng mạnh lên hơn 4% sau nhiều năm.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài, do vậy các nước đã giảm dần các gói kích thích kinh tế và tiến hành nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lạm phát cao làm tiêu dùng cho các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, có thể làm giảm cầu hàng hoá nhập khẩu.
- Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu:
Dịch COVID-19 bùng phát ở các quốc gia được coi là công xưởng sản xuất của thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay các quốc gia Đông Nam Á dẫn tới hệ quả nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất phải đóng cửa. Khi nguồn cung của hầu hết các chuỗi cung ứng trên thế giới ngừng hoạt động, cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ châu Âu, thì nguyên liệu đầu vào trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiệu suất xử lý hàng hoá tại các cảng đều giảm, dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng và thời gian quay vòng container tăng vọt. Tình trạng này dẫn dến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể đe dọa đến thương mại toàn cầu trong năm 2022 và trong thời gian ngắn tới.
- Sức ép trong việc thực thi các cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới:
Hiện nay, nhiều quốc gia đang có xu hướng sử dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước. Khi một nước thành viên FTA nhập khẩu hàng hóa và áp dụng biện pháp tự vệ bằng việc tăng thuế xuất đối với nước xuất khẩu khi lượng hàng hóa xuất khẩu từ các nước xuất khẩu gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong các nước nhập khẩu. Biện pháp này như một hình thức giúp bảo hộ nền sản xuất của các nước khi tham gia FTA.
Khi đó, nước xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại về kinh tế do không được hưởng các ưu đãi về thuế suất quy định trong các FTA. Ngoài ra, với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước. Các DN nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với các DN trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.
- Khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh:
Từ năm 2021, nhu cầu về năng lượng của thế giới bắt đầu hồi phục và tăng trưởng hậu COVID-19. Các quốc gia ở châu Âu và châu Á bắt đầu cạnh tranh để có được nguồn khí đốt hạn chế do Hoa Kỳ, Na Uy, Nga và khu vực Trung Đông cung cấp khiến giá khí tự nhiên tăng mạnh. Việc giá khí đốt tăng phi mã đã dẫn tới việc một số quốc gia bắt đầu chuyển từ tiêu thụ khí sang than để có mức giá rẻ hơn.
Điều này gây áp lực lên một số quốc gia châu Á có tỷ trọng sử dụng than cao phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung và giá tăng. Giá nhiên liệu quá cao đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện năng dành cho sản xuất, chi phí vận tải hàng hóa và sản xuất tăng mạnh, làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thực tế cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, giá năng lượng cũng tăng mạnh do căng thẳng chiến tranh giữa Nga và Uckraine.
Thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới
Ngày 19/4/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm.
Về với cơ cấu mặt hàng và thị trường, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.
Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu cụ thể và định hướng chung đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Đối với phát triển sản xuất công nghiệp, cần triển khai có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành; các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các chiến lược, đề án, kế hoạch xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu... Đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, cần triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực. Phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu...
Hai là, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Theo đó, xây dựng, củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các quốc gia thông qua thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA; đàm phán FTA với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản trên cơ sở có đi có lại; nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng...
Ba là, triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến nhập khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn. Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực mạng lưới xúc tiến thương mại ở trong nước và tại nước ngoài nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả ở cấp chính phủ, ngành hàng, địa phương và DN. Nâng cao năng lực và tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu thị trường, dự báo, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thương mại, đầu tư. Phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua thu hút đầu tư, giảm nhập khẩu đầu vào, tăng hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Chính sách đầu tư tập trung cho lĩnh vực có khả năng tăng trưởng và lan tỏa như một số ngành sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Năm là, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu phù hợp với nhu cầu của các thị trường nội khối, thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa và thị trường còn phải phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và các chiến lược phát triển khác trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, tăng cường kết nối giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển. Phát triển DN tư nhân, hỗ trợ DN xuất khẩu vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2022), Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;
- Bộ Công Thương (2021), Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021;
- Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022.
* Nguyễn Thị Luyến - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022