Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm

Trần Huyền

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 vẫn đạt được một số kết quả tích cực, tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo. Ảnh: internet
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo. Ảnh: internet

Tăng trưởng ấn tượng

Tại Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới sáng 26/4 do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I/2023.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, hoạt động xuất khẩu gạo trong quý I/2024 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Giá thóc gạo hàng hóa cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.

Thứ trưởng cho biết, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè Thu năm nay ở khu vục Đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay đã đạt khoảng 570 nghìn ha, đạt khoảng 30% diện tích kế hoạch.

"Trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa, Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo, đây là thông tin quan trọng, định hướng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo với giá có lợi nhất

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Đồng thời, dự báo xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi tình hình lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu.

Trước tình hình đó, để thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các Bộ, Ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để có phản ứng chính sách kịp thời và chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Các đơn vị phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp khai tác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ Thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, cũng như khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh để vượt qua được các rào cản của các thị trường nhập khẩu.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ Logistics ra thị trường quốc tế và tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm Gạo Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường mới, tiềm năng.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và hiện đại nhằm thúc đẩy hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua.