Xuất khẩu gạo tháng Ba: Thiết lập kỷ lục mới


Lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 3/2023 đạt cao nhất trong lịch sử ngành hàng với 961.608 tấn, trị giá 509 triệu USD, tăng gần 80% về lượng và giá trị so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu gạo tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với cùng kỳ.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trong quý vừa qua, trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác giảm đến 2 con số thì gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng tốt nhất và tín hiệu thị trường vẫn lạc quan, báo hiệu sẽ có thêm một năm thành công.

Sau khi chính thức công bố nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2023, vào sáng ngày 07/03/2023, Chính phủ Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu cho Cơ quan Hậu cần quốc gia (Tập đoàn Bulog) triển khai mua dự trữ gạo trong năm nay.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, xuất khẩu gạo đạt 961.608 tấn, trị giá 509 triệu USD, tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế quý I/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,855 tấn, với 981,391 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang 4 thị trường top chiếm gần 87% về lượng

Trong tháng 3/2023, lượng gạo xuất khẩu sang top 4 thị trường lớn truyền thống, gồm: Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đạt 832.413 tấn, kim ngạch ước đạt 385,476 triệu USD, chiếm 86,56% về lượng và 75,73% về kim ngạch toàn ngành.

Cụ thể, trong tháng, gạo xuất đi Philippines đạt 491.279 tấn, trị giá 245,737 triệu USD, so với tháng 3/2022 tăng 3,61 lần về lượng và tăng 3,95 lần về kim ngạch. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 893.254 tấn, trị giá 450,427 triệu USD, tăng 32,89% về lượng và tăng 44,79% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc với lượng gạo xuất đi trong tháng 3/2023 đạt 187.746 tấn và 109,060 triệu USD, tăng 94,94% về lượng và tăng 2,18% về trị giá so với tháng 3/2022. Cả quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 340.385 tấn, trị giá 199,067 triệu USD, tăng 91,1% về lượng và tăng 2,19 lần về giá trị so với cùng kỳ.

Cũng trong tháng này, lượng gạo xuất sang Indonesia đạt 4.801 tấn, với 2,424 triệu USD, tăng 12,03 lần về lượng và tăng 14,13 lần về trị giá. Cộng dồn 3 tháng đạt 148.587 tấn, trị giá 69,731 triệu USD, tăng 180,32 lần về lượng và tăng 177,62 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường lớn thứ tư là Malaysia, xuất được 58.797 tấn gạo, trị giá 28,253 triệu USD, tăng 1,66 lần về lượng và tăng 1,73 lần về giá trị so với tháng 3/2022. Cả 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vào thị trường này được 76.816 tấn, với 38,322 triệu USD, giảm 11,81% về lượng và giảm 4,97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với chúng tôi về các yếu tố dẫn đến lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 3 tăng “khủng”, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE phân tích, do trong tháng 1/2023, Đồng bằng sông Cửu Long mới bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân sớm, lượng lúa hàng hóa không nhiều.

Sang tháng 2/2023, rơi vào kỳ nghỉ Tết kéo dài cho nên doanh nghiệp không thể trả hàng cho các hợp đồng ký trong năm 2022 nên phải đưa sang tháng 3. Thời điểm này, miền Tây vào thu hoạch rộ, lúa hàng hóa dồi dào doanh nghiệp dồn sức trả hợp đồng cũ, vì vậy, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 3 đội lên rất cao.

"Lượng gạo xuất trong tháng 3 đa số là những hợp đồng ký đầu năm 2023, lúc đó nhu cầu lương thực trên thế giới khá lớn và giá gạo trên thị trường quốc tế đã lên cao nên từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp bán gạo được giá hơn năm ngoái từ 10 – 20 USD/tấn (tùy loại)", ông Có cho biết.

Nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý II vẫn tốt

Nhận định xu hướng thị trường trong tháng Tư và cả quý II/2023, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho rằng, các hợp đồng đi Indonesia và Malaysia trong tháng Tư tương đối nhiều nhưng giá trị sẽ không tăng như tháng Ba vì phẩm cấp gạo không cao nên đạt giá trị thấp.

Theo ông này, đối với thị trường Trung Quốc, thời gian trước dịch, nhu cầu mua gạo của họ khá nhiều nhưng sau bị sụt giảm mạnh trong thời gian đóng cửa. Từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu mua gạo theo đó cũng tăng mạnh trở lại và hiện đang cần mua các loại gạo chất lượng cao và gạo nếp.

Trong khi đó, Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới chỉ nhập khẩu gạo khi thu hoạch lúa trong nước đã xong, lúc đó họ mới tính toán cần mua bao nhiêu và để tăng lượng gạo dự trữ trong nước, trước đây, Chính phủ Rodrigo Duterte mua nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, do nguồn nước ở Ấn Độ và Pakistan bị ô nhiễm nặng, cây lúa trồng ở hai quốc gia này có chứa hàm lượng chì rất cao dẫn đến chất lượng gạo không đạt nên bây giờ họ ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan.

“Xu hướng thị trường và nhu cầu mua gạo các nước trong quý II vẫn ổn định, dòng gạo chất lượng cao vẫn xuất tốt. Riêng dòng gạo chất lượng trung bình do diện tích sản xuất giảm và phải tùy thuộc vào lượng lúa gạo từ Campuchia nên lượng gạo xuất khẩu có thể sẽ giảm”, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE nói.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, trong quý II và quý III nhu cầu mua gạo từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Trung Quốc vẫn cao nên lượng gạo xuất khẩu trong 2 quý này sẽ vẫn ổn định.

Theo ông, với bất cứ loại hàng hóa nào khi nhu cầu tăng thì giá bán cũng sẽ tăng theo. Do đó, để bán gạo được giá tốt, doanh nghiệp cần có chân hàng trong kho. Tuy nhiên, cũng có những công ty bán trước, mua sau nên dễ gặp trường hợp ký hợp đồng giá thấp quay về mua giá cao dẫn đến thua lỗ.

“Đối với nhiều công ty, thị trường lên cao chưa chắc đã tốt, thị trường xuống thấp cũng chưa chắc là xấu. Vấn đề là do năng lực nhận biết và phán đoán thị trường của từng doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VFA nói.

Theo Nguyễn Huyền/thoidai.com.vn