Xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp vượt mốc 1 tỷ USD

Theo Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Hiện hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, châu Á chiếm tỷ trọng 46%, châu Âu 13%, châu Mỹ 35%, thị trường khác 6%.

Bốc xếp gạo xuất khẩu.
Bốc xếp gạo xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2019 đã vượt mốc 1 tỷ USD. Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, hoạt động xuất khẩu năm 2019 trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi bởi hầu hết các mặt hàng đều tăng trưởng tốt, nổi bật là thủy sản, gạo và sản phẩm ngành may.

Hiện hàng hóa của tỉnh đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, châu Á chiếm tỷ trọng 46%, châu Âu 13%, châu Mỹ 35%, thị trường khác  6%.

Trong 5 năm qua, thị trường xuất khẩu có sự dịch chuyển; thị trường châu Á thị phần tăng đều mỗi năm trong khi châu Âu và châu Mỹ giảm nhẹ.

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, may mặc... thì xuất hiện sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao gồm: collagen, dầu cá, trái cây chế biến... Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng.

Cùng đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày một nâng lên. Một số doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 nhóm hàng chủ lực là thuỷ sản chế biến và gạo với sự sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp cả về khối lượng lần giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia, Malaysia, Philippines tăng cường tự túc lương thực; trong khi đó, thị trường nhập khẩu gạo lớn là Trung Quốc lại áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu (áp dụng chính sách hạn ngạch và thuế nhập khẩu ở mức cao với thuế suất 50%).

Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng khiến kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường trọng điểm này sụt giảm đáng kể.

Thế nhưng, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo, cá tra được đẩy mạnh, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao vào dịp này đã góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Ông Ong Hàn Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang chia sẻ, năm 2019, đơn vị đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD với sản lượng 40.000 tấn sản phẩm từ con cá tra.

Thêm một thương hiệu nổi tiếng được ghi nhận là bánh phồng tôm Sa Giang của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang cũng đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bà Mật Bích Khuầy – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang cho biết, năm 2018, sản lượng bánh phồng tôm của công ty đạt 7.200 tấn; trong đó xuất khẩu đạt từ 60 – 70%, chủ yếu là thị trường châu Âu.

Hiện tại, công ty đang mở rộng thị trường châu Á mà Trung Quốc là thị trường tiềm năng và có triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2019.

Cùng đó, quả xoài của Đồng Tháp cũng được tham gia vào lô xoài đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa ra thế giới. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành cũng đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm mãng cầu xiêm sấy dẻo và trà trái mãng cầu xiêm sang thị trường Trung Quốc...

Hiện doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, chế biến ra những hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, HACCP, TQM, BVQI… và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.